Sáng ngày 10-11-2019 tại Hội trường – Sàn Giao dịch công nghệ Sở Khoa học & Công nghệ Hải Phòng diễn ra cuộc hội thảo khoa học “Danh tướng Đào Nhuận trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938”.
Nhận lời mời của Ban Tổ chức hội thảo là Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn thuộc Sở Khoa học & Công nghệ và Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân họ Đào, CLB Hải Phòng học đã cử một số hội viên đến dự.
Danh tướng Đào Nhuận là nhân vật lịch sử có công lao đáng kể trong chiến thắng Bạch Đằng giang năm 938 của Ngô Quyền, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của nước ta sau hơn 1000 năm bị phong kiến Phương Bắc đô hộ. Nhưng chính sử rất ít nói đến nhân vật này. Nhằm làm rõ thêm thân thế và công lao của dân tướng (lời GS. Sử học Lê Văn Lan) người Hải Phòng này trong trận thủy chiến chống quân Nam Hán xâm lược năm 938, với sự ủng hộ tích cực của CLB Doanh nhân họ Đào Việt Nam và Sở Khoa học & Công nghệ Hải Phòng cùng Ban Đại diện Đào tộc, cuộc Hội thảo đã được tổ chức.
Đào Nhuận là người trang Thủy Đường (thuộc huyện Thủy Nguyên) có sức khỏe, giỏi võ nghệ và tài bơi lội đã cùng với Nguyễn Tất Tố được Ngô Quyền tuyển chọn làm gia tướng chỉ huy quân vào rừng lấy gỗ đóng cọc nhọn cắm ở cửa sông Bạch Đằng rồi cùng Ngô Xương Ngập và Dương Tam Kha đem quân mai phục hai bên bờ sông. Nguyễn Tất Tố thì được Ngô Quyền đem theo 20 thuyền nhẹ ra cửa biển chờ giặc tới để khiêu chiến, nhử quân Nam Hán vào sâu trong trận địa cọc của quân ta. Nhờ tài dụng binh của Ngô Quyền và sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân địa phương, trong đó có những tướng tài như Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố, đạo quân thủy của quân Nam Hán do Lưu Hoằng Thao (Thái tử con vua Lưu Cung) hoàn toàn bị đánh tan, quân địch chết đuối quá nửa và tan vỡ. Vua Nam Hán đau đớn ra lệnh rút quân.
Cuộc Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ Hà Nội nhưÂÂÂÂ GS. TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS sử học Lê Văn Lan, đại biểu Viện Sử học; Viện Việt Nam học; TS. Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, nguyên Giám đốc Ban quản lý Di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long, Chủ tịch Hội KHLS Hà Nội; Phó GS-Thiếu tướng Đào Tuấn thuộc Viện Khoa học kỹ thuật quân sự VN, Trưởng ban Thư ký họ Đào VN; Đại tá-TS. Nguyễn Xuân Ngọc – nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an Nhân dân VN; ông Đào Xuân Dũng – Chủ tịch CLB Doanh nhân họ Đào VN.
Về phía địa phương có ông Đào Văn Toàn – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy HP, Dương Ngọc Tuấn – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hải Phòng, các ông, bà Giám đốc và Phó GĐ Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn, TS. Đoàn Trường Sơn – Chủ tịch Hội KHLS Hải Phòng, bà Nguyễn Minh Ngọc – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH& KT Hải Phòng, nhà sử học Ngô Đăng Lợi và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, hội viên Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng và CLB Hải Phòng học như Nguyễn Khắc Phòng, Trịnh Văn Hoãn, Phạm Văn Thi, Nguyễn Sơn Trúc, Nguyễn Vượng, Đồng Hồng Hoàn…cùng một số vị đại diện các BQL đình Gia Viên (quận Ngô Quyền), BQL Di tích lịch sử Đền Bì (huyện Tiên Lãng).
Sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu là lời phát biểu khai mạc của ông Đào Xuân Dũng – Chủ tịch CLB Doanh nhân họ Đào và phát biểu chào mừng của Dương Ngọc Tuấn – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hải Phòng. Tiếp đó ông Đặng Trần Kiên – Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn lên đọc Báo cáo đề dẫn khái quát ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng năm 981 và nguyên nhân dẫn đến trận chiến bạch Đằng cùng công lao của danh tướng Đào Nhuận, Nguyễn Tất Tố.
Tại Hội thảo đã có 6/10 báo cáo tham luận được đọc tại hội trường và 8 ý kiến tham gia phần thảo luận. Có những báo cáo không chỉ cung cấp thông tin về tướng Đào Nhuận mà còn giới thiệu về các nhân vật lịch sử họ Đào thời phong kiến Việt Nam và thời cận, hiện đại. Có tham luận thì cung cấp danh tính một số vị khoa bảng họ Đào ở Hải Phòng (của Bảo tàng Hải Phòng) hay một số người họ Đào ở Hải Phòng thành đạt (của Đồng Thị Hồng Hoàn).
Trong phần thảo luận có những ý kiến có giá trị nghiên cứu và thực tế như của TS lịch sử Nguyễn Văn Sơn, của nhà sử học Ngô Đăng Lợi hay của Đại tá-TS. Nguyễn Xuân Ngọc – nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an Nhân dân VN.
Đáng chú ý, tại Hội thảo, TS Đoàn Trường Sơn – Chủ tịch Hội KHLS Hải Phòng cũng giải thích lý do vì sao cuộc Hội thảo KH nhân kỷ niệm 1080 năm chiến thắng Bạch Đằng năm 981 (vào năm 2018) tại Hải Phòng đã không tổ chức được dù đã có sự chuẩn bị.
Có thể nói cuộc hội thảo khoa học “Danh tướng Đào Nhuận trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938” đã thành công dù chưa có những nghiên cứu đầy đủ, mong đợi về sự đóng góp của vị dân tướng người địa phương là Đào Nhuận được nhân dân Hải Phòng tôn làm phúc thần.Â
P. V Thi