Chúa Bà Ngũ Phương trong tín ngưỡng dân gian Hải Phòng

Tượng Chúa bà Ngũ Phương trong khán thờ.

       Chúa Bà Ngũ Phương (năm phương) còn được gọi là Chúa Nam Phương, là một nhân vật với nhiều giai thoại được lưu truyền trong dân gian ở Hải Phòng. Bà là người được người dân địa phương và một số vùng lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh thờ phụng như một vị thánh chúa. Vậy bà là nhân vật xuất xứ thế nào và có thuộc tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt không?, chúng ta cùng xem xét.
       Về tên gọi chúa Ngũ Phương đúng hay Nam Phương đúng thì người ta còn tranh luận chưa ngã ngũ. Ngũ Phương hay Nam Phương không phải là tên người mà chỉ là được hiểu với ý nghĩa là 5 phương trời đất (quan niệm dân gian) hay phương Nam (đất Việt).
       Năm phương là gì?. Người xưa quan niệm có 5 phương trời đất, đó là Trung khu (trung tâm – địa khu), Đông khu (ở phía đông), Tây khu (ở phía tây), Nam khu (ở phía nam), Bắc khu (ở phía bắc).
       Với quan niệm này mà tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống thường vẽ tranh ngũ hổ (coi 5 con hổ với các màu vàng, đen, trắng, đỏ, xanh như 5 vị thần tướng) trấn giữ 5 phương trời đất.
       Chúa Bà Ngũ Phương là một nhân vật có xuất xứ nhân thần trong lịch sử Việt Nam thời Ngô Vương Quyền đánh trận thủy chiến Bạch Đằng trên vùng đất Hải Phòng năm 938. Bà là người làng Cấm (thuộc quận Ngô Quyền nay). Vì có công giúp Ngô Vương trong trận chiến Bạch Đằng mà sau đó bà được ông phong tước Quận Chúa, dân gian gọi bà là Vũ Quận chúa Quyến hoa hay Bạch Hoa công chúa.
       Nam Phương có thể có ý nghĩa là đất của người Nam (Việt Nam) vì dân ta cho rằng đã có vua Ngô Quyền thì phải có chúa Nam Phương nên gọi Vũ Quận chúa là bà chúa Nam Phương. Còn tên gọi Năm Phương cũng có thể là do thời Nguyễn, người ta kiêng phạm tên húy của Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) mà gọi chệch tên chúa Nam Phương thành Năm Phương.
       Nhưng tên gọi thế nào không quan trọng, quan trọng là trong tâm thức người dân Hải Phòng, bà chúa Năm Phương ngự trị như một vị thánh mẫu có nhiều quyền năng với những câu chuyện thần bí. Nhưng ít người biết rằng, bà là nhân vật lịch sử có thật.
       Bà sinh ra trong một gia đình họ Vũ tại làng Gia Viên (tên nôm là làng Cấm) mà thời Nguyễn thuộc tổng Đông Khê, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay thuộc phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Bà tên thật là Vũ Thị Quyến Hoa, là một người con gái xinh đẹp, đảm đang sinh ra trong một gia đình họ Vũ ở làng cổ Da Viên (tên gọi khác của Gia Viên) – làng dừa (do có nhiều dừa). Khi Ngô Quyền khởi binh chống lại quân Nam Hán xâm lược, với sự tháo vát, đảm đang, bà được phong nữ tướng lo việc quân lương, góp phần giúp quân ta đánh tan 20 vạn quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở ra một kỷ nguyên độc lập cho đất nước sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Với những đóng góp to lớn của Bà, Đức Vương Ngô Quyền đã phong tước hiệu cho bà là Ngô  Vũ quận chúa (coi như con nuôi). Khi đó Ngô Quyền chỉ xưng Vương, không xưng Đế nên Bà chỉ được phong tước hiệu Quận chúa. Sau này, với ý thức tự tôn dân tộc cao, dân ta tự phong Ngô Quyền là Ngô Vương Thiên Tử thì theo đó, Vũ Quận chúa được dân phong là Quyến Hoa Công chúa. Trong đạo sắc phong (sao lục) ngày 25/7/1924 còn lưu giữ ở đền Tiên Nga (số 53 phố Lê Lợi), vua Khải Định chính thức phong tặng Bà mỹ tự “Đoan túc, Dực bảo, Trung hưng tôn thần” và chuẩn cho làng Gia Viên được phụng thờ.
       Đến ngày 25/8/1934, trong đạo sắc của mình, vua Bảo Đại phong bà là Trang Huy, Thượng đẳng thần (hàng thần linh cao thứ hai trong thần điện Việt Nam). Trong tâm thức dân gian người Hải Phòng, Vũ Quận chúa Quyến Hoa từ lâu đã là vị nhân thần hiển thánh. Bởi vậy, không chỉ ở Hải Phòng quê hương mới thờ bà mà nhiều tỉnh thành ở Việt Nam giờ đây cũng thờ Quyến Hoa công chúa (cứ ở đâu có thờ Ngô Quyền thì ở đó đều phối thờ cả bà chúa Vũ Quận Quyến Hoa).
       Theo thần tích tại các di tích thờ chúa bà Ngũ Phương (điển hình là đền Tiên Nga ở số 53 phố Lê Lợi – Hải Phòng) thì bà vốn là tiên nữ thiên đình. Sau bà giáng thế, hạ trần vào nhà họ Vũ ở cửa sông Cấm giang, đất Gia Viên (nay là Hải Phòng). Chúa sinh ra hình dung tươi tốt, mọi bề đảm đang. Năm 938 bà giúp Ngô vương Quyền chống quân xâm lược Nam Hán. Khi thắng lợi, bà trở về trời và được giao quyền cai quản năm phương trời đất, bản cảnh bản xứ ngũ phương, vì vậy được tôn xưng là Bà Chúa Quận Năm Phương, hay còn có tên khác là Vũ Quận Bạch Hoa Công Chúa. Vì sao tên bà là Vũ Thị Quyến Hoa lại còn được gọi là Bạch Hoa công chúa (công chúa màu trắng) thì có nguyên nhân sau đây:
       Trong các giai thoại dân gian của người Hải Phòng, người ta thường kể rằng Chúa Bà thường hiện hình vào canh ba, giờ tý trong nốt một cô mỹ nữ với xiêm y màu trắng, giày trắng, rong chơi khắp chốn rồi về ngự ở các cây đa to. Có lẽ vì vậy mà tại nhiều cây đa có giai thoại Chúa biến tại đó hoặc đánh rơi chiếc hài (nơi đó người ta thường lập đền, miếu để thờ bà) như cây đa 13 gốc ở xóm Trại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền hay cây đa ở xã An Đồng huyện An Dương.
       Ngày mất của chúa Vũ Quận Quyến Hoa được cho là 16 tháng 6 âm lịch, vào khoảng năm 939 – 944, còn ngày sinh không ai được rõ. Vào ngày khánh kỵ này, tại các nơi thờ chúa Năm Phương người ta đều tổ chức tế lễ, hầu đồng tri ân công lao nữ Chúa.
       Sau khi nữ tướng Vũ Quận chúa qua đời, bà thường hiển linh phù hộ quốc thái, dân an. Với công đức của bà, dân sở tại dâng sớ tâu trình triều đình nên nhiều triều đại ban sắc phong bà làm phúc thần. Trải qua thời gian, thiên tai, chiến tranh nên tại đền Tiên Nga (nơi thờ chính của bà mà tôi viếng thăm) nay chỉ còn giữ được 2 đạo sắc sao của vua Khải Định và Bảo Đại triều Nguyễn.
       Tôi thường tự hỏi: Trong 2 nữ tướng góp công vào chiến thắng Bạch Đằng giang là bà Bùi Thị Từ Nhiên (người giúp lo quân lương, hậu cần của Hưng Đạo Vương năm 1288) và Vũ Thị Quyến Hoa (tướng quân lương, hậu cần của Ngô Vương Quyền năm 938) thì chỉ bà họ Vũ là được dân gian phong thánh là vì sao? (dù nhân dân ta vẫn phối thờ cả hai bà cùng 2 vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo). Phải chăng, bởi chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền với sự góp công của bà Vũ Thị Quyến Hoa có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nó chấm dứt hơn 1000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, mở đầu thời kỳ phong kiến tự chủ lâu dài của dân tộc ta. Hơn nữa, bà Vũ Quyến Hoa còn được Ngô Vương phong là quận chúa và sau này còn hiển linh hoặc âm phù cho dân, cho nước (có giai thoại lưu truyền về việc bà báo mộng cho Hưng Đạo Vương trong trận Bạch Đằng năm 1288). Cũng không phải vô cớ mà nhiều triều vua đều ban sắc phong thần cho Vũ Quận chúa.
       Trong tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt, chúa Ngũ Phương không phải là một vị Thánh cô phổ biến trong hàng thứ hai của đạo Mẫu được thờ nhiều như cô Nhất Thượng Thiên, Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Ba (Bơ) Thoải phủ, Cô Tư Ỷ La, Cô Năm suối Lân… (12 thánh cô hầu cận các thánh Mẫu trong Tứ phủ).
       Chúa Bà Năm Phương chỉ được tôn xưng trong các canh hầu ở một số vùng như Hải Phòng và một số địa phương lân cận. Trong các đàn lễ mở phủ hoặc hát hầu thánh Chúa, người ta thường dâng một tòa đàn gọi là đàn Chúa Bà: gồm có hình Chúa Quận Năm Phương, hai cô hầu cận, có khi là cả hình 12 cô bé theo hầu thánh cô) – tất cả trong trang phục màu trắng và nón chúa, hài cườm, một cỗ xe ngựa, hoặc xe phu kéo (gắn với giai thoại về việc Chúa Bà hay gọi xe tay để đi) gọi là xe Chúa Bà và thỉnh mời Chúa bà Năm Phương về ngự để chứng đàn đó.
       Vì vậy, trong các giá hầu Chúa bà Ngũ Phương, các thanh đồng thường mặc trang phục mầu trắng (áo dài trắng, hài trắng, khăn đội đầu màu trắng).
       Trong các canh hầu, chúa bà Năm Phương thường ngự về trước Chầu Năm Suối Lân (Lạng Sơn), hoặc cũng có một số người hầu chúa sau Tam Vị Chúa Mường (ba vị chúa bà là công chúa con vua Hùng Vương).
       Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt, ở Hải Phòng, chúa bà Năm Phương đã trở thành vị thánh đặc biệt. Sử sách ghi chép về bà rất ít nhưng truyền ngôn trong dân gian về bà rất sâu đậm, linh thiêng. Nhân dân lập miếu, đền thờ bà ở nhiều nơi trên địa bàn Hải Phòng và một vài địa điểm thuộc tỉnh khác như Hòa Bình, Quảng Ninh.
       Sau đây là một số điểm thờ phụng chúa bà Năm Phương ở Hải Phòng mà tôi được biết:

  • Đền Tiên Nga, số 53 phố Lê Lợi
  • Chùa Cấm (Linh Quang Tự): phối thờ.
  • Đình Cấm – đình Gia Viên.
  • Cây Đa 13 gốc ở phường Đằng Giang, quận Hải An, Hải Phòng.
  • Chùa Vẻn (An Biên cổ tự): Phối thờ.
  • Đền Bà Chúa Năm Phương ở Đồ Sơn (gần đền cô Chín Suối Rồng).
  • Cây đa ở công ty giày Thống Nhất ở đường 208, xã An Đồng (huyện An Dương) ngày nay được cho là linh thiêng hơn cả vì tương truyền là nơi Chúa Bà hiển thánh về ngự, đánh rơi chiếc hài ở gốc cây.
  • Đền chúa Ngũ Phương ở đầu vườn hoa Chéo, phố Trần Hưng Đạo (nay không còn)…

       Căn cứ vào quan điểm tôn thờ của nhân dân đối với các vị nhân thần có công với nước, tôi cho rằng Chúa Bà Ngũ Phương thuộc vào hàng tứ phủ Chầu Bà, tương tự như Chúa Thác Bờ hay Cô Năm Suối Lân – những nhân vật có thật trong lịch sử được nhân dân phong thần.
       Tuy không được thờ phổ biến trong đạo Mẫu Việt Nam, nhưng ở Hải Phòng chúa Ngũ Phương vẫn là một vị thánh mẫu linh thiêng được nhiều người tôn thờ (như nữ tướng Lê Chân). Điều này thể hiện quan niệm truyền thống tốt đẹp của người Việt là tôn thờ người có công với dân, với nước và đáng được tôn trọng.
       

Phạm Văn Thi – Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.

 

 

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học