Chọi trâu Đồ Sơn – một trong những lễ hội tiêu biểu Việt Nam

          Chọi trâu Đồ Sơn được coi là một trong 15 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam và đã đi vào văn học dân gian nước ta với câu ca dao:
          Dù ai buôn đâu, bán đâu,
          Mùng 9 tháng 8 chọi trâu thì về.
          Dù ai buôn bán trăm nghề,
          Mùng 9 tháng 8 nhớ về chọi trâu.
          Tục chọi trâu Đồ Sơn có từ bao giờ thì hiện chưa có chứng cứ xác thực, nhưng nhiều khả năng có từ thời Trần. Cơ sở của nó như sau:
          Từ thời Hậu Lê, tám vạn chài Đồ Sơn đã tôn thần “Điểm tước Thần vương” làm Thành hoàng và xây đình Chung để thờ. Nếu biết rằng tục chọi trâu là nghi lễ dâng thần và trước khi diễn ra lễ hội bao giờ người ta cũng tế cáo thần tại ngôi đình của cả vùng Đồ Sơn này thì có thể cho rằng tục này ít nhất có từ thời nhà Trần. Tại gian giữa nhà tiền tế đình Chung (sau chuyển về trung tâm của tổng Đồ Sơn và đổi thành đình Công) có bức hoành phi lớn sơn son thếp vàng ghi dòng chữ: “Cựu lịch Trần – Lê khai vọng quốc” được nhiều người dịch là: nhớ nước do nhà Trần xưa và nhà Lê khai mở (sự hoài cổ đối với hai vương triều vẻ vang trong lịch sử nước nhà).
          Ngoài ra, trong sách “Lịch sử người Hà Nội” tác giả Hà Ân viết: “Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng đến xem hội chọi trâu Đồ Sơn đã gặp Kỳ Vỹ, người đã cứu Nhượng Vương thoát chết khỏi nạn cướp nên đã kết nghĩa làm anh em”. (Hưng Nhượng Vương là con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn)
          Tuy hơi khiên cưỡng, nhưng nếu tác giả cuốn sách trên nói có cơ sở thì phải khẳng định là           Rồi từ đó tục lệ này kéo dài mấy trăm năm, tuy có lúc gián đoạn do thiên tai, chiến tranh, đến năm 1945 thì dừng hẳn (cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ). Tuy nhiên từ năm 1955-1989 Đồ Sơn có 3 lần chính thức mở hội vào các năm 1960, 1973, 1975 (nhưng không năm nào trọn vẹn). Năm 1990, do chính sách đổi mới của Đảng, Thành ủy và UBND thành phố Hải Phòng quyết định phục hồi lễ hội chọi trâu Đồ Sơn và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Từ đó đến nay lễ hội này liên tục được tổ chức           Ở nước ta nhiều nơi có tục chọi trâu, tiêu biểu như: Chọi trâu làng Bạch Lưu (xưa kia gọi là Bạch Ngưu) tức thôn Bạch Lưu Hạ, nay thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; Chọi trâu Phù Ninh (xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ) và chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng). Đó chưa kể các hội chọi trâu mới phát sinh ở Bắc Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh…mà hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải hạn chế cấp phép bởi đó không phải là các lễ hội truyền thống, lại mang tính bạo lực, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam           Câu hỏi đặt ra, tại sao lễ hội chọi trâu Đồ Sơn lại được Bộ Văn hóa vinh danh là một trong 15 lễ hội tiêu biểu cấp quốc gia (năm 2013)?. Lý do của nó, theo tôi là:
          Trước hết lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mang ý nghĩa triết lý nhân sinh cao gắn với hình tượng mặt trăng.
          Trăng có vai trò rất quan trọng với đời sống. Với sức hút vật lý, nó là nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều, tạo nên con nước lên xuống, ảnh hưởng đến nghề nuôi và đánh bắt hải sản của cư dân ven biển. Thủa hồng hoang, con người không hiểu hiện tượng vật lý này nên coi mặt trăng là một đối tượng thiêng liêng cần tôn thờ. Hình ảnh đôi trâu chọi nhau dưới ánh trăng trên bãi biển trong truyền thuyết về hội chọi trâu ở Đồ Sơn đã phản ánh mối liên hệ nào đó giữa mặt trăng với biển cả. Mặt khác, hình ảnh sừng trâu cong cũng chính là hình tượng của mặt trăng khuyết, có mối liên hệ với thần Độc Cước (vị thần một chân) mà người dân miền biển vẫn tôn thờ. Vậy phải chăng chọi trâu còn là nghi thức tôn thờ mặt trăng của cư dân miền biển ?. Ở đây, trâu không chỉ là vật hiến sinh của cư dân nông nghiệp mà còn là vật hiến tế thủy thần của ngư dân.
          Vì lẽ đó mà thời xưa, con trâu chiến thắng trong hội chọi trâu sẽ được đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hất xuống biển để tế thần (từ thời Nguyễn đến trước cách mạng tháng Tám trâu vô địch được mổ, thui vàng cho lên ván cúng dâng Thành hoàng ở đình hàng tổng). Thời nay, làng nào có trâu giải nhất trận chung kết được rước bát hương đền Nghè (thờ thần Điểm Tước) và rước cờ “Thượng đẳng thần” về làng, còn trâu được giết thịt làm lễ hiến sinh dâng Thành hoàng, xin ngài cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cho mùa           Chọi trâu Đồ Sơn ngoài ý nghĩa tôn thờ thủy thần còn biểu dương tinh thần thượng võ, truyền thống quật cường của nhân dân Đồ Sơn – Hải Phòng, là sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước.
          Tục chọi trâu đã được sử sách xưa ghi lại: “Ở chân núi Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, có đền thờ Thủy Thần. Tương truyền có người bản thổ đêm đi qua dưới đền thấy hai con trâu đang chọi nhau, nên hàng năm lấy ngày 9 tháng 8, có tục chọi trâu để tế thần” (sách Đại Nam nhất thống chí quyển VIII của Quốc sử quán triều Nguyễn).
          Chọi trâu Đồ Sơn từ lâu đã được các phương tiện truyền thông quốc tế quan tâm, quảng bá:
          Năm 1960 hãng truyền hình NHK Nhật Bản đã ghi hình cuộc chọi trâu Đồ Sơn tổ chức vào ngày mùng 4 Tết và phát sóng toàn quốc ở Nhật, trong đó có hình ảnh cụ Vệ Ghẻ ở tuổi 55 – 57, tay trái nắm sừng trái trâu, xoãi chân về phía sau, kê vai vào cổ một con trâu chọi để kìm dựng nó lại trong khi nó đang bỏ chạy như bay. Hình ảnh này đã làm khán giả Nhật Bản thán phục sức khỏe và tinh thần thượng võ của người dân vùng biển Việt Nam.
          Cũng năm 1960 các nhà quay phim Liên Xô và Việt Nam đã đưa hình ảnh chọi trâu Đồ Sơn vào phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về một sinh hoạt văn hóa mang bản sắc Việt Nam.
          Với những nét văn hóa truyền thống độc đáo đó, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã vượt khỏi quy mô cấp vùng và được khẳng định ở tầm quốc gia, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
          Mấy ai từng thắc mắc: tại sao lễ hội chọi trâu Đồ Sơn lại được tổ chức vào thượng tuần tháng 8 âm lịch?.
          Truyền thuyết kể rằng cách nay hơn 18 thế kỷ một nhóm ngư dân nguyên quán ở đào Thần Hòa theo gió mùa đông nam ra biển đánh cá, bị bão dạt vào chân núi Tháp Sơn ở Đồ Sơn rồi ở lại lập nghiệp, trở thành những cư dân đầu tiên của vùng này. Đồ Sơn ngày một đông đúc hơn khi dân cư các nơi về khai khẩn đất đai, đánh bắt tôm cá. Họ lập ngôi miếu thờ thần biển ở chân núi Tháp cách cửa Đại Bàng (cửa sông Họng nay đã bị bồi lấp nằm giữa cửa sông Lạch Tray và Văn Úc) về phía tây khoảng 1 km. Ngư dân khi ra biển đánh cá thường vào đây cầu khấn hay cúng tạ khi an toàn trở về hoặc khi gặp may đánh bắt được nhiều hải sản tuy họ chưa biết duệ hiệu thần là gì. Một năm trời đại hạn, cây cỏ héo khô, sông, suối cạn nước. Cư dân trên đảo khẩn cầu thần linh thương xót ban mưa cứu mùa màng và họ thoát nạn đói.
          Vào một đêm trăng thượng tuần tháng 8, một số người nhìn thấy trên mặt biển có một lão nhân đầu tóc bạc phơ, ngồi trên sập đá, tay cầm gậy trúc xem đôi trâu đang chọi nhau. Hình ảnh này hiện lên rồi biến mất trong khoảnh khắc. Sau đó một trận mưa lớn đổ xuống, cây cối đang khô héo được hồi sinh, sông suối đầy nước, con người được cứu sống.
          Qua hình ảnh lão thần nhân xem trâu chọi, cư dân vạn chài cho rằng thần giáng hạ báo cho họ biết để mà thờ phụng. Sau đó, với vết chân chim hằn trên mâm bột cúng thần ở miếu Nghè, thần đã gián tiếp báo cho dân Đồ Sơn biết duệ hiệu của mình và người ta đã tôn thần là Điểm Tước Đại vương. Để làm hài lòng thần, từ đó dân Đồ Sơn tổ chức những cuộc chọi trâu dâng thần và tục lệ này được lưu truyền đến ngày nay. Đó là theo truyền thuyết, còn thời điểm tổ chức chọi trâu 2 kỳ, vào tháng 6 (vòng loại) và tháng 8 (chung kết) có lẽ còn do nguyên nhân sau:
          Thời gian chính mở hội đấu ngưu là giai đoạn chuyển từ vụ cá nam sang vụ cá bắc, là lúc ít mưa bão và là thời điểm ngư nhàn để người dân thảnh thơi tham gia (đầu tháng 8 âm lịch).
          Không đâu như ở Đồ Sơn, để có trâu tốt, cuộc đấu hay người ta phải trải qua một quá trình tìm mua và nuôi dưỡng, huấn luyện trâu công phu, tổ chức nghi lễ tôn thờ thần hoàng nghiêm cẩn, tuân thủ chặt chẽ những điều kiêng kỵ như nơi đây.
          Tìm chọn, nuôi và huấn luyện trâu:
          Để chuẩn bị cho Hội, trước đây các Giáp (bây giờ là cá nhân, dòng họ) ở Đồ Sơn ngay từ sau Tết Nguyên đán đã bàn bạc, thu tiền đóng góp của suất đinh và chọn người đi tìm mua trâu tốt. Người đi mua phải là người nắm vững các tiêu chuẩn của một con trâu chọi hay, có kinh nghiệm tìm trâu và biết cảm nhận tinh tướng của trâu và độ can trường của nó. Mặt khác người được chọn đi tìm trâu còn là người mà gia đình đạo đức, con cháu đề huề, không có tang trở, không vận hạn, hết lòng vì việc công và trung thực.
          Trước khi xuất hành tìm trâu, người ta phải ra đình với cơi trầu, bát nước, vàng hương, hoa quả khấn xin Thành hoàng phù hộ cho chuyến đi thuận lợi, tìm được trâu hay.
          Thông thường thì sau rằm tháng Giêng người ta đã tỏa đi khắp nơi để mua trâu, có khi họ phải lặn lội vất vả hàng tháng trời đi các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, lên tận Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lào Cai, thậm chí tới tận vùng giáp danh Lào, Cam Pu Chia … mới tìm được con trâu vừa ý. Trâu phải là những con trâu đực khỏe mạnh, da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp (lông trên đầu cứng, dày để tránh nắng), có ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dày, càng phẳng …. là trâu gan, có khả năng chống chịu được đòn của đối phương. Háng trâu phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu càng nhọn càng quý. Sừng trâu phải đen như mun, đầu sừng vênh lên như hai cánh cung, giữa hai sừng có túm tóc hình chóp trên đỉnh đầu là khoáy tròn. Mắt trâu phải đen, tròng đỏ…
          Trâu mua về còn phải chăm sóc, nuôi béo khỏe, luyện cho trâu quen âm thanh huyên náo, không nhát cờ, nhát trống trong mấy tháng trước khi thi đấu.
          Người được trọn gửi nuôi trâu cũng phải là người có kinh nghiệm và bắt buộc phải kiêng kị: Không được cưỡi lên lưng trâu, không cho đàn bà, con gái bước qua dây dắt trâu, tránh đánh chửi nhau về nuôi trâu, tránh đám tang, tối kỵ nghĩa địa.
          Chuồng nuôi trâu phải sạch sẽ, ăn cỏ sạch, cho ăn thêm đầu mía và cám ngon cho trâu chóng béo. Trâu không thả rông, tránh xa trâu cái, bảo vệ trâu không bị xâm hại bởi kẻ xấu.
          Trường đấu: Trường đấu, hay sân chọi xưa kia là những bãi đất rộng, khoảng 80 x 100m (nay là sân vận động rộng tới 2000 m2) có hào nước bao quanh (bây giờ là rào chắn, tường bao). Phía trong hào có hai dãy lán làm chỗ đứng cho trâu chọi gọi là “xào xá”. Ngoài ra, xung quanh có khán đài để mọi người quan sát và cổ vũ trâu thi đấu.
          Hội chính tháng 8 (ÂL):
          Lễ hội chọi trâu có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Xưa kia, từ ngày mùng một tháng 8 các các làng có trâu chọi làm lễ tế thần Điểm Tước (vị thủy thần của Đồ Sơn) ở đình làng mình. Trước khi làm việc này họ rước nước (gắn với tục tế Thuỷ Thần) từ giếng ở miếu Nghè hoặc ở suối Rồng về đình làng mình (Lọ nước mỗi năm thay một lần) cúng tế với 10 ván xôi, 5 gà giò, 1 mâm cỗ mặn, 1 mâm cỗ chay, 5 lít rượu ngon để cúng thánh và trình làng.
          Xưa kia, ngoài việc tế thánh ở làng, người ta còn tế hàng tổng trước khi khai hội với các nghi thức cầu kỳ mà chủ tế phải có chức sắc từ lý trưởng đến chánh, phó tổng trở lên.
          Còn hiện nay thủ tục được đơn giản hóa như sau:
          Sáng ngày chính hội (9/8 ÂL), khoảng 1 giờ sáng người ta làm lễ rước nước từ đền Nghè về đình, các chủ trâu cho trâu ra làm lễ Thành hoàng ở đây, sau khi lễ thần, trâu chọi được gọi là “Ông trâu”.
          Chủ tế các làng làm lễ xin phép Thành Hoàng đưa “ông trâu” đi thi đấu. Khoảng 6 – 7 giờ sáng, tổ chức lễ rước “ông trâu” ra đấu trường. Dẫn đầu đám rước là cờ ngũ sắc, trống, chiêng, long đình, long kiệu, bát bửu. Người khiêng long đình, long kiệu, trống, chiêng… chít khăn đỏ, mặc áo đỏ viền vàng, thắt lưng và quấn cạp đỏ. Người gọi loa (dịch loa) đội khăn xếp, mặc áo lương đen, thắt lưng bố hậu đỏ, quần trắng. Theo sau là các bô lão, chức sắc và thứ tự các ông trâu (theo kết quả xếp hạng đấu loại), trên lưng được chùm một tấm vải đỏ, sừng quấn một dải lụa điều. Đi bên cạnh mỗi ông trâu có hai chàng trai tay cầm cờ đuôi nheo để múa. Lễ rước các “ông trâu” vào các xào xá rộn rã trong tiếng nhạc bát âm, cờ bay phất phới …
          Khi ông trâu bước vào khu tập trung riêng, tiếng trống, tiếng loa nổi lên dõng dạc, đổ hồi tạo nên không khí náo nức của ngày hội .
          Tiếp theo là nghi thức múa cờ khai hội được 24 tráng niên của làng (nay là 50 người) chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, biến hoá linh hoạt trong những âm thanh của trống, thanh la, thể hiện ước nguyện cầu mong thần phù hộ cho thuyền bè thuận gió ra khơi.
          Múa cờ vừa dứt, từ hai phía hai “ông trâu” được dẫn vào xới. Khi hai “ông trâu” cách nhau 20 m, người dắt nhanh chóng rút “sẹo” cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai ông trâu được tự do lao vào chọi nhau giành thắng bại. Thời Nguyễn, trâu nào vô địch được trao giải 30 đồng (tương đương giá một con trâu) và một khẩu xăm giải nhất hàng tổng (khẩu xăm là đoạn lưới dăng ngoài biển giới hạn bởi các sào cắm, nơi có nhiều cá nhất).
          Xưa kia, kết thúc lễ hội, ông trâu thắng cuộc được làm lễ rước trở về đình làng có trâu giải nhất với bát hương đền Nghè và cờ đại “Thượng đẳng thần”, làng thua cũng phải rước long đình, bát biểu về đình làng có trâu thắng cuộc, sau đó mới rước về đình làng mình.
          Sáng ngày 10 tháng 8, toàn bộ ông trâu tham gia lễ hội được đem giết thịt làm lễ vật tế thần ở đình, có kèm theo một đĩa đựng tiết và lông trâu (mao huyết), thịt sau đó được chia về các giáp theo suất đinh (còn ngày nay người ta bán cho những người dự hội với giá rất đắt tùy theo trâu đạt giải nhất, nhì, ba). Mặc dù bán đắt nhưng số lượng thịt vẫn không đủ cho người mua vì người ta quan niệm đó là lộc thánh, ăn vào sẽ được may mắn cả năm.
          Hiện có nhiều ý kiến tranh luận về nghi lễ hiến sinh tiết và lông mao trâu thắng cuộc. Người thì cho rằng xưa kia người ta phải mang lông mao và tiết “ông trâu” đổ xuống biển, người thì cho rằng đổ xuống ao, còn ông Đinh Phú Ngà, người Đồ Sơn, tác giả cuốn “Tản mạn lễ hội chọi trâu Đồ Sơn” thì lại khẳng định rằng sau khi tế thần người ta đem đĩa tiết và mấy cái lông cổ trâu ra gốc đa hay bờ ao, bờ ruộng hất xuống đất để hiến thần theo lệ “ăn lông, ở lỗ” của người nguyên thủy. Cá nhân người viết bài này thì thấy rằng, khu nào ở xa biển thì mao, huyết được người ta đổ xuống ao, hồ. Ở gần biển như phường Ngọc Hải thì người ta mang mao, huyết đổ xuống biển hiến thủy thần
          Vào ngày 16 tháng 8, làng tiến hành nghi thức “tống thần” và rã đám, kết thúc lễ hội. Có một điều rất lạ là đại đa số các năm, trước, trong hoặc sau ngày hội chọi trâu mùng 9 tháng 8 một ngày và hôm rã đám bao giờ trời cũng đổ mưa, có năm mưa rất to. Người ta cho rằng đó là lúc thần linh đến dự hội và ra đi theo mưa gió. Năm nào không có mưa thì Đồ Sơn thường gặp chuyện không hay, làm ăn thất bát.
          Hiện nay, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn mang đậm bản sắc xưa và đầy đủ các nghi thức truyền thống dân gian: Rước kiệu và long đình, bát biểu; hành lễ tế Thành hoàng làng, dùng trang phục cổ, lời văn xưa và nhạc cụ dân tộc, múa cờ khai hội, tặng thưởng cho chủ trâu đạt giải nhất, nhì, ba trong trận chung kết và các giải phụ. Tuy nhiên, cũng có những cải biến nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới.

          Phạm Văn Thi, Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học