
Cổng chợ Sắt dưới thời Pháp thuộc (ảnh tư liệu).
Thời xưa không có siêu thị, cửa hàng tư nhân tràn lan hay việc buôn bán trên mạng internet phổ biến như bây giờ nên những vật dụng cần thiết phục vụ nhu cầu con người đều phải mua tại chợ. Còn hàng hóa trong các cửa hàng công nghệ phẩm, bách hóa tổng hợp thuộc doanh nghiệp quốc doanh (Nhà nước) thời bao cấp đều được bán theo tem, phiếu cho công nhân, viên chức, cán bộ, công chức nên đa số người dân không tiếp cận được.
Bởi vậy phần lớn người dân phải tìm đến chợ – nơi diễn ra các hoạt động mua-bán nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh và phục vụ đời sống của mình . Ngoài địa bàn nông thôn có rất nhiều chợ dân sinh thì ngay trong lòng thành phố cảng Hải Phòng cũng từng có một số chợ lớn hình thành từ thời phong kiến và thực dân. Đó là những chợ như: Chợ Hàng, chợ Sắt, chợ Đổ, chợ Cố Đạo…Chúng có thể được coi là chợ cổ, một không gian văn hóa-đời sống rất quan trọng vào thời đó và đến bây giờ vẫn chưa mất đi ý nghĩa của nó.
Xin điểm qua một số chợ quan trọng nói trên:
Chợ Hàng.
Ảnh cổng Chợ Hàng nay.
Chợ Hàng là chợ của làng Dư Hàng xưa, vẫn còn tồn tại đến nay và nổi tiếng không chỉ ở Hải Phòng mà còn được nhiều người ở các tỉnh, thành phố khác biết đến. Hiện không có tài liệu nào đề cập đến thời gian xuất hiện chợ, chỉ biết rằng ngôi chợ mang tên rút gọn của làng Dư Hàng này đã có từ lâu đời, khi làng Dư Hàng hình thành. Có người nói chợ có từ thời Tiền Lê, người khác lại nói có từ thời Hậu Lê. Ngày xưa đây là một làng điển hình của thôn quê Việt Nam, nổi tiếng trù phú, quan hệ mua bán rộng khắp với các vùng lân cận và bởi vậy chợ Hàng cũng sầm uất từ đó.
Xưa kia làng Dư Hàng vốn là vùng đất nông nghiệp, nay quá trình đô thị hóa mới trở thành một phường thuộc quận Lê Chân – phường Dư Hàng Kênh và chợ Hàng giờ trở thành một chợ quê giữa lòng thành phố. Tuy vậy tập quán trao đổi sản phẩm nông nghiệp-nông thôn vẫn còn lưu lại đến bây giờ, có bổ sung thêm nhiều mặt hàng thời hiện đại, và xuất hiện cả việc buôn, bán đồ cổ dọc con đường từ chợ Hàng cũ đến vị trí chợ mới bây giờ.
Chợ Hàng xưa là nơi người ta mua bán cây, con giống, các sản vật địa phương khác và đồ dùng nhà nông… và thường được họp phiên vào buổi sáng các ngày 5, 10, 15 âm lịch hàng tháng. Còn nay, chợ họp vào buổi sáng tới giữa trưa các ngày Chủ nhật trong tuần và những ngày giáp Tết Nguyên đán, thu hút đông đảo người mua – bán trong thành phố và ngoại tỉnh, cả những người đi chơi chợ, du khách từ nơi khác đến khám phá địa điểm nổi tiếng này. Mỗi buổi sáng chủ nhật, tấp nập cảnh người và xe từ các ngả đổ về đây khiến nhiều lúc đường quanh chợ trở lên tắc nghẽn.
Chợ Hàng giờ đây không chỉ phong phú các mặt hàng nêu trên mà còn đa dạng các sản phẩm làm đẹp đời sống tinh thần, đó là các loại cây cảnh, hoa cảnh, cá cảnh, giống, thêm cả phân bón tổng hợp và các loại dụng cụ, vật tư phục vụ cho việc nuôi, trồng, chăm sóc cây và các vật nuôi. Những thứ này được bày bán dọc cả một đoạn đường Hoàng Minh Thảo giáp chợ, một đoạn đường Nguyễn Văn Linh, dọc mương Tây Nam và đường Chợ Hàng.
Trong chợ Hàng mới được nâng cấp khang trang bây giờ các mặt hàng như quần áo, giầy dép, mũ, nón, túi xách, ví da.. vv…được bố trí trong các gian hàng cao ráo có ô-dù, mái che bằng bạt ni-lông, sạch sẽ hơn xưa. Hàng hóa, đồ ăn, uống được sắp xếp theo khu vực như khu con giống (chó, mèo, gà, vịt, ngan, ngỗng, chim, rùa…), khu ẩm thực, khu hạt – giống cây với hàng ngàn các loại cây giống, hạt giống (cây cảnh, cây ăn trái, các loại rau củ…) Đặc biệt, chợ Hàng còn là nơi mà người ta có thể tìm cho mình những thứ đồ nông thôn giờ trở nên hiếm hoi như chiếc nơm, chiếc đó bắt cá, sàng tre, đèn dầu hỏa…
Các cửa hàng tư nhân ở đường Dư Hàng còn bày bán la liệt các loại đồ vật tư-cơ khí, đồ điện tử phục vụ cuộc sống gia đình và muôn thứ đồ cổ, giả cổ như bình gốm, đồ sành, sứ, nậm rượu, đồng hồ treo tường, đồ đồng..v.v… thu hút từ người hiếu kỳ đến người chơi và sưu tầm đồ cổ.
Chợ Hàng không chỉ có hàng hóa của Hải Phòng, chợ Hàng ngày nay đã trở thành nơi mua bán nhiều loại cây cảnh, hoa cảnh, cây ăn quả và giống rau đến từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Sapa và cả Đà Lạt với đa dạng về chủng loại, mẫu mã như cây phong lan, các loài hoa, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo, chim trời, cá nước, thỏ, chuột hamster, rùa núi, dế mèn, bọ cạp. Giá cả ở đây lại phải chăng nên đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người mua. Giờ đây người ta đến chợ không chỉ là để mua, bán mà nhiều người còn đến đây để ngắm xem hoa, cây cảnh, vật cảnh và thư giãn hay tìm cho mình một món đồ cổ ưng ý. Chợ còn thu hút cả du khách ngoại tỉnh tìm đến khám phá để thỏa chí tò mò.
Chợ Hàng từ lâu đã trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một nét văn hóa độc đáo tô điểm cho cuộc sống tinh thần người dân thành phố Cảng. Chợ Hàng xứng đáng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của Hải Phòng.
Chợ Sắt:
Cổng chợ Sắt thời thuộc Pháp (ảnh tư liệu bảo tàng Hải Phòng).
Chợ Sắt được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 (có thể là vào năm 1888), khi tổng tống Pháp Sandy Carlod ký quyết định thành lập thành phố Hải Phòng với quy chế đô thị loại 1 trên khu phố nhượng địa của người Pháp. Ban đầu chợ được gọi là Chợ Lớn (grand marché) – một chợ đô thị loại 1, có thể sánh với chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Bến Thành (Sài Gòn). Do chợ được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu sắt thép nên người dân Hải Phòng gọi là Chợ Sắt. Nhờ địa thế thuận lợi ngay sát sông Tam Bạc, giáp đường Quang Trung (lúc đó người Pháp gọi là đại lộ Giô-rê-ghi-be-ry – Boulevard Jauréguiberry), lại có lợi thế bên tuyến đường thủy từ Hải Phòng đi các tỉnh nên dưới thời Pháp thuộc chợ Sắt từng là nơi rất sầm uất, đầu mối buôn bán chính từ Nam Định, Thái Bình lên hoặc Quảng Yên (Quảng Ninh) xuống.
Chợ Sắt ban đầu là chợ phiên buôn cau trong câu ca dao: “Chợ Sắt cất gánh buôn cau/ Chợ Huyện buôn gấc, buôn dầu, buôn nhang” đã dần chuyển sang buôn bán đa dạng các mặt hàng trong thời Pháp thuộc.
Sang thời bao cấp, chợ Sắt được xây dựng lại toàn bộ nhân kỷ niệm 30 năm Hải Phòng giải phóng (1985) và chợ không chỉ có buôn cau, buôn vải như thuở xa xưa, mà còn kinh doanh đủ thứ hàng hóa phong phú, từ vật tư cơ khí, hàng điện tử cũ của Nhật (do các thủy thủ tàu viễn dương mang về), đồ Trung Quốc, Thái Lan đến cả bông, chỉ tơ, lưới, vó bắt cá, cần câu, phẩm nhuộm, sơn trang trí, dép, guốc, đồ sơn mài .v.v..
Từ cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 chợ Sắt vẫn còn là một trong những trung tâm buôn bán lớn nhất tại miền Bắc. Chợ là nơi buôn bán hưng vượng, là đầu mối bán sỉ để từ đây, nhiều mặt hàng tỏa đi khắp cả nước. Chợ Sắt trở thành niềm tự hào của thành phố Cảng.
Sau sự cố cháy chợ năm 1985 cùng cơ chế mới thời mở cửa và liên doanh, liên kết với nước ngoài, năm 1992, một dự án trị giá 15 triệu USD do Công ty Liên danh hữu hạn Hải-Thành (Hải Phòng – Phòng Thành Trung Quốc) làm chủ đầu tư được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động để xây dựng một Trung tâm thương mại trên nền chợ Sắt. Chợ cũ được phá đi và xây lại với 2.000 gian hàng với tổng diện tích sử dụng gần 40.000 m² trên diện tích khuôn viên 13.000 m².
Ngày nay, dưới sự tác động của cơ chế thị trường và một số nguyên nhân khác chợ Sắt ngày càng mất đi vị thế của mình khi không thể cạnh tranh được với các trung tâm buôn bán khác và trở lên vắng khách, quy mô xây dựng bị thu hẹp.
Cuối năm 2021, theo chủ trương chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng, chợ Sắt sẽ bị phá dỡ, nhường chỗ cho tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn và văn phòng cho thuê có diện tích 15.200 m2 với vốn đầu tư hơn 6000 tỷ đồng do công ty Cổ phần May – Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư. Một chợ Sắt tạm được xây dựng ven đường Trường Chinh, gần chân cầu Niệm để di chuyển các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở chợ Sắt cũ đến chợ tạm nhưng chắc chắn khó lòng thu hút được khách hàng trong và ngoài thành phố như chợ Sắt xưa.
Chợ Đổ:
Chợ Tam Bạc (chợ Đổ)
Chợ Đổ là khu chợ gắn liền với lịch sử biến đổi của vùng đất Hải Phòng khi triều đình nhà Nguyễn cắt một phần đất huyện An Dương (làng Vẻn), khu Thượng Lý và bến Ninh Hải (ở cửa sông Tam Bạc nay) nhượng cho thực dân Pháp trên cơ sở của chỉ dụ số 576 ngày 01-10-1888 của vua Đông khánh. Văn bản này đã cụ thể hóa điều 18 của Hiệp ước Patenôtre (ngày 6-6-1884) về giới hạn các khu nhượng địa ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Tourane (Đà Nẵng) bằng các sơ đồ đính kèm.
Chợ có tên chính thức là Tam Bạc do ở cạnh con sông mà người Pháp gọi là Tam Bạc (xuất phát từ việc người Pháp viết sai từ Trạm Bạc mà thành). Sông Tam Bạc bắt nguồn từ thôn Trạm Bạc-xã Lê Lợi, huyện An Dương, là một nhánh của sông Lạch Tray đổ ra sông Cấm tại cửa Ninh Hải. Thường thì người Việt quen gọi tên sông theo tên làng ở đầu nguồn nên lẽ ra sông phải gọi là Trạm Bạc. Từ việc phiên âm tiếng Pháp và tiếng Việt khác nhau mà sông Trạm Bạc đã biến thành Tam Bạc như đã nói. Và vì nằm trong vùng nhượng địa của người Pháp nên bản đồ họ vẽ đã đổi tên sông thành Tam Bạc.
Năm 1972, chợ hư hỏng nặng do các cuộc ném bom, bắn phá của không quân Mỹ, từ đó người dân quen gọi là chợ Đổ. Theo tôi, tên chợ Đổ còn có ý đây là một chợ bán hàng sỉ vì thủa ban đầu đây là nơi đổ hàng của thương lái từ Nam Định lên, Quảng Yên (Quảng Ninh) xuống. Từ đây hàng hóa được các thương nhân mua mang đi các nơi khác bán lại. Đến bây giờ nhiều thương nhân vẫn còn mua cất hàng từ chợ Đổ đi các chợ khác trong thành phố bán lại.
Kiến trúc chợ phần nào vẫn còn mang nét cổ kính với những ngôi nhà rêu phong quây quanh khu chợ tạo nên nét độc đáo trong lòng thành phố. Trong khu chợ còn có đền Bà, bia tưởng niệm tội ác của Mỹ năm 1972 và ngôi nhà được Tôn Trung Sơn, một lãnh tụ cách mạng dân chủ – tư sản (Tổng thống đầu tiên của Trung hoa Dân quốc) lưu lại trong những năm 30 thế kỷ 20.
Chợ Đổ xưa là đầu mối trái cây và nông sản lớn. Ngày nay chợ chủ yếu bán các loại rau củ và đồ khô, một số loại dược phẩm và các vị thuốc bắc. Chợ tương đối rộng, gồm có nhiều loại mặt hàng đa dạng. Hiện giờ chợ còn bán thêm rất nhiều mặt hàng quần áo, vải vóc, bánh, kẹo, thực phẩm, mỹ phẩm và vật dụng các loại.
Ngày nay chợ nằm trên địa bàn phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng và cái tên Tam Bạc vẫn được giữ nguyên nhưng người dân Hải Phòng thì vẫn quen gọi cái tên dân giã là chợ Đổ.
P.V Thi