Chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 đã diễn ra như thế nào?

alt

(Sơ đồ minh họa chiến dịch Bạch Đằng năm 1288)

QĐND – Ngay từ cuối năm 1284, ở cuộc xâm lược lần thứ hai, đặc biệt là từ giữa năm 1287, chuẩn bị và tiến hành lần xâm lược thứ ba, hoàng đế Hốt Tất Liệt và triều đình nhà Nguyên hết sức chú trọng việc xây dựng và triển khai thêm một lực lượng thủy quân hùng hậu để sát cánh cùng các đạo quân kỵ bộ-vốn là sức mạnh chủ lực của quân đội và quân sự nước Nguyên tiến đánh nước Việt.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 3-1288, sau hơn hai tháng quần thảo, tung hoành, làm cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba, cục diện chiến trường đã lại dồn thế bất lợi về phía quân Nguyên, khiến chúng phải thu tất cả lực lượng thủy, bộ về co cụm ở vùng Vạn Kiếp và tính đến đưa quân về nước.

Số phận của đạo quân thủy khổng lồ gồm hơn 400 chiến thuyền được đem ra cân nhắc trong cuộc chuẩn bị rút lui này. Hai chủ trương: Phá hủy tại chỗ hoặc bảo toàn đưa về, đã được bộ chỉ huy giặc bàn bạc ráo riết trước khi quyết định lựa chọn “phương án 2”-vừa bảo toàn đoàn chiến thuyền đã mất rất nhiều công của để chế tạo, dành cho các cuộc xâm lược sau, vừa giao thêm nhiệm vụ chuyên chở các “chiến lợi phẩm” lần này cướp bóc được-theo đường sông, ra biển, về nước.

Thế là thành hình một mục tiêu chiến lược của Bộ chỉ huy chiến tranh nhà Trần: Tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy của giặc trên đường rút chạy này. Và một chiến dịch đã được quân dân nhà Trần gấp rút chuẩn bị, rồi triển khai, tiến hành để thực hiện mục tiêu ấy.

Từ ngày 30-3-1288-khi đạo quân thủy của giặc bắt đầu rời Vạn Kiếp, lên đường, cho đến ngày 9-4-1288-lúc chúng bị xóa sổ toàn bộ quãng trước cửa dòng sông Chanh thông với sông Bạch Đằng, đã được tính là thời gian 10 ngày đêm của chiến dịch.

Và con đường nước từ Vạn Kiếp, theo sông Kinh Thầy, sông Đá Bạc, vào sông Bạch Đằng, tới cửa sông Chanh dài khoảng hơn 30 cây số, là chiều sâu (không gian) của chiến dịch.

Bây giờ, sau 730 năm, có thể nhìn lại, nói mới về ba bước diễn biến của một chiến dịch phục kích và đại tập kích đường sông, từ đây được gọi bằng tên “Chiến dịch Bạch Đằng năm 1288” này.

Bước thứ nhất của chiến dịch:

Đoàn chiến thuyền hơn 400 chiếc (sách “An Nam chí lược” nói gọn một lần là 500 chiếc) của quân Nguyên, đóng từ hai trung tâm sản xuất chiến thuyền Phúc Kiến và Quảng Đông-từng được sách “Vũ bị chế thắng chí” của Trung Hoa so sánh là: “Lấy thuyền Phúc Kiến (to lớn) mà đánh thuyền Nhật Bản (nhỏ bé) thì như lấy xe mà nghiền bọ ngựa”, và: “Lấy thuyền Phúc Kiến (bằng gỗ thông) mà đối địch với thuyền Quảng Đông (bằng gỗ lim) thì như lấy đá mà ném vào núi”-đã rất được Bộ chỉ huy quân Nguyên chú trọng việc bảo vệ. Trấn Nam vương Thoát Hoan, Tổng chỉ huy cuộc xâm lược nước Việt, khi quyết định chia hai đường thủy, bộ cho đại quân nhà Nguyên rút lui, thì chính viên chủ tướng của đạo quân rồi sẽ rút theo đường bộ này đã ra lệnh cho cánh quân thủy lên đường trước, còn cánh quân kỵ bộ vẫn nán lại ở Vạn Kiếp, rút sau, để sẵn sàng hỗ trợ từ xa cho quân thủy một khi gặp nguy hiểm. Trực tiếp hỗ trợ thì cử ngay một đội quân kỵ bộ mạnh, do các tướng Trình Bằng Phi và A Truật chỉ huy, hành quân trên con đường bộ-nay là Đường 18-từ Vạn Kiếp ra biển, đi song song với cánh quân thủy mà hộ tống, bảo vệ, cho đến khi đã cùng tới cửa biển, quân thủy đã an toàn ra biển thì mới quay trở về Vạn Kiếp, cùng toàn cánh quân kỵ bộ rút theo đường lên Lạng Sơn, về nước.

Một bộ phận quân dân nhà Trần do chính Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy-đóng chỉ huy sở ở khu vực núi Kính Chủ (Kinh Môn, Hải Dương) bên bờ phải sông Kinh Thầy, cách Đông Triều (Quảng Ninh) ở bên kia sông khoảng 5km-là lực lượng mở màn chiến dịch.

Những trận đánh mở màn này có 3 mục đích: Tiêu hao lực lượng địch, cầm chân chúng để có thêm thời gian bố trí chiến trường ở Bạch Đằng và nhất là phá thế ỷ giốc-nương tựa lẫn nhau, giữa cánh quân thủy và đội quân kỵ bộ hộ tống.

Cả ba mục đích này-bằng những trận phục kích-đánh tỉa liên tục, đặc biệt là trận phá sập cầu đường ở Đông Triều-đều đã đạt được.

Từ Vạn Kiếp tới Ngã ba Đụn-nơi sông Kinh Thầy gặp dòng sông Giá, trước khi tiếp nước cho sông Đá Bạc mà đổ vào sông Bạch Đằng-thông thường đi thuyền chỉ mất không đến một ngày. Vậy mà đoàn chiến thuyền của giặc xuất phát từ ngày 30-3 nhưng mãi đến ngày 7-4 mới tới được, tức là, chúng đã phải mất hơn một tuần lễ, vừa nặng nhọc hành quân, vừa mệt nhọc chống trả với các trận phục kích của quân dân nhà Trần.

Còn đội quân kỵ bộ hộ tống đi song song với cánh quân thủy này trên Đường 18 với cự ly khoảng 2-3km thì cùng xuất phát, nhưng sau 5 ngày hành quân trên cung đường chỉ khoảng 30km, đến ngày 4-4 mới tới được Đông Triều, thì vừa bị quân dân nhà Trần chặn đánh, vừa không còn đường và cầu sang sông. Các tướng Trình Bằng Phủ và A Truật đành phải cho quân quay trở về Vạn Kiếp, để mặc cánh quân thủy tự lo liệu và lo lắng cho số phận của mình trong những ngày sắp đến.

Bước thứ hai của chiến dịch:

Từ Vạn Kiếp (Lục Đầu Giang) ra biển có khá nhiều thủy đạo để giặc lựa chọn. Cho nên, phán đoán được đúng tuyến đường mà giặc dùng để đưa toàn bộ cánh quân thủy về nước-tức là: Từ Lục Đầu Giang, theo sông Kinh Thầy, qua sông Đá Bạc, tới sông Bạch Đằng, ra biển-đã là điều rất tài tình của Bộ chỉ huy Chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Nhưng khi đoàn chiến thuyền hơn 400 chiếc của giặc đến Ngã ba Đụn vào ngày 7-4, thì một tình huống bất ngờ và nguy hiểm đã xảy ra.

Ấy là, từ Ngã ba Đụn tới Bạch Đằng không chỉ có đường sông Đá Bạc, mà còn có cả dòng sông Giá! Mà ở cuối sông Giá, chỗ gần cửa sông thông ra sông Bạch Đằng, thì không những đã sẵn có từ lâu: Căn cứ Trúc Động trọng yếu của quân thủy nhà Trần, mà từ cuối tháng 3-1288 đã được sử dụng làm chỉ huy sở của Bộ chỉ huy chiến dịch và soái tướng Trần Hưng Đạo, đồng thời đây cũng là trận địa mai phục của một lực lượng lớn-cả thủy lẫn bộ-của đồng thời cả chiến dịch lẫn chiến trường Bạch Đằng. Cho nên, nếu giặc (hoặc một bộ phận đạo quân thủy của giặc) đi vào đường sông Giá, thì không những chúng có thể đánh vào sau lưng chỉ huy sở, mà còn phát hiện ra một phần lớn lực lượng và thế trận mai phục-phục kích của quân dân nhà Trần, đang chuẩn bị vào trận quyết chiến chiến lược ở bước cuối và kết thúc chiến dịch.

Trên thực tế thì vào ngày 8-4-1288, đội chiến thuyền tiên phong của đoàn thủy sư giặc, do tướng Lưu Khuê chỉ huy, khi đi đến được Ngã ba Đụn, đã chọn đường sông Giá tiến vào.

Chính vì thế mà phải có bước phát triển thứ hai, tiếp ngay sau bước thứ nhất của Chiến dịch Bạch Đằng, với mục đích là xua đuổi giặc ra khỏi thủy đạo sông Giá. Một trận đánh lớn đã diễn ra trước căn cứ Trúc Động. Sau khi đã buộc được đội chiến thuyền tiên phong của tướng giặc Lưu Khuê phải từ đầu nguồn sông Giá lộn trở về Ngã ba Đụn, thì lực lượng quân dân nhà Trần mai phục ở sông Giá còn có cả một loạt động tác nghi binh để hù dọa, cảnh báo, không cho giặc một cơ hội nào “tơ tưởng” đến chuyện sử dụng dòng sông Giá nữa.

Như truyền thuyết ở vùng sông nước này kể lại, quân dân nhà Trần đã cho thả rất nhiều mo cau-vẫn thường dùng để gói cơm cho quân sĩ ăn-đầy tràn khắp mặt nước dẫn vào sông Giá. Đây là tín hiệu cố tình để lộ cho giặc thấy về một lực lượng lớn của quân đội nhà Trần đã có mặt ở đây, khiến giặc từ chỗ hoang mang, nghi ngờ đã thực sự sợ hãi, bỏ qua hẳn lối ngả tới Bạch Đằng bằng đường sông Giá. Do đó, theo đúng sự “dẫn dắt” của phía quân Trần, toàn bộ đạo thủy sư của giặc vào đường sông Đá Bạc, để rồi sẽ rơi vào cuộc “sập bẫy” ở Bạch Đằng.

Bước phát triển thứ ba của Chiến dịch Bạch Đằng diễn ra đúng theo “kịch bản” đã được “soạn thảo” vào ngày 9-4-1288!

– “Trận địa cọc Bạch Đằng” gồm hàng nghìn thân cây, chủ yếu là lim đẽo nhọn đầu, đã được đóng ngầm và đầy cả hạ lưu sông Bạch Đằng cùng cửa vào sông Chanh, từ tuần lễ cuối của tháng 3, thêm được gần 10 ngày đầu tháng 4 cầm chân giặc ở giai đoạn thứ nhất của chiến dịch, để hoàn thiện việc bố trí, giờ thì đã sẵn sàng việc chờ đến giờ thủy triều xuống thì đội nước, nhô lên, vừa đâm thủng thuyền giặc, vừa chủ yếu là làm nhiệm vụ gây ra sự ùn tắc, rối loạn đội hình hành quân và chiến đấu của giặc, đặc biệt là bịt kín lối ngả chạy thoát ra biển theo đường sông Chanh;

– Bịt kín lối ngả chạy thoát ra biển theo cửa sông Bạch Đằng, thì đã dàn xong đội hình đạo quân tuyển mộ từ hai lộ Hồng và Khoái (miền Hải Dương, Hưng Yên ngày nay) của tướng quân Nguyễn Khoái, kết hợp sức cản đường của rặng đá ngầm tên là “Ghềnh Cốc”-từ mé nước bên bờ phải, giăng ra đến giữa dòng (ở chỗ bến phà (đò) Rừng ngày nay);

– Trực tiếp tham chiến, xung trận, thì cũng đã bố trí xong, những đội quân thủy, cả những đạo bộ binh và những đội dân binh nữa, mai phục đầy trong các nhánh sông miên man dọc đôi bờ Bạch Đằng và những cánh rừng phủ đầy hai bên tả ngạn và hữu ngạn của dòng sông, do chính soái tướng Trần Hưng Đạo chỉ huy cùng với các bộ tướng của ngài;

– Những chiếc bè cỏ tẩm dầu được giấu kỹ trong các nhánh sông và rừng cây trên thượng nguồn cũng đã sẵn sàng, để rồi sẽ được thả trôi xuôi, táp vào đoàn chiến thuyền giặc đã bị chẹn chặn, dồn ứ ở hạ lưu mà “hỏa công”, vừa đốt phá, vừa khiến thêm rối loạn toàn bộ cánh quân thủy của giặc;

– Một đoàn khinh chu (thuyền nhẹ) cũng đã sẵn sàng để “khiêu chiến”, dụ giặc lao nhanh hơn theo lưu tốc 0,86m/giây và mức nước rút trung bình 30cm/giờ-như những tính toán gần đây đã cho biết-để mà “sập bẫy” ở trận địa Bạch Đằng;

– Sau cùng, lực lượng cấm quân của vua Trần, vừa hoàn thành nhiệm vụ ở bước đầu của chiến dịch cũng chờ đến lúc này, kéo tới, đánh vào mé sau của đoàn chiến thuyền giặc, đồng thời chẹn đường không cho chúng chạy lộn về Vạn Kiếp.

Vậy là, như thế, từ sáng sớm đến chiều tối 9-4-1288, trận ác chiến Bạch Đằng đã diễn ra, với kết quả kinh hoàng về phía giặc: Toàn bộ cánh quân thủy nhà Nguyên đều bị tiêu diệt, không một chiếc thuyền nào chạy thoát được về nước; 5 vạn quân thủy, trong đó tất cả tướng lĩnh đầu sỏ: Ô Mã Nhi, Phàm Tiếp, Trương Ngọc…, cả viên thân vương mang tước đại vương là Tích Lệ Cơ nữa, đều bị giết hoặc bị bắt.

(Nguồn: Chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 đã diễn ra như thế nào?/Gs. Lê Văn Lan//Tạp chí Sự kiện và nhân chứng. – số 294 (tháng 6/2018)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học