Bảo tồn, phát huy trá trị nghệ thuật hát xẩm ở thành phố Hải Phòng.

       ảnh GS.TS Kiều Trung Sơn (Viện Văn hóa-nghệ thuật Bộ Văn hóa) tặng sách cho Đào Bạch Linh – Chủ nhiệm chiếu Xẩm Hải Thành. 

       Những năm qua, dưới ánh sáng của Nghị quyết số 03-NQTW, ngày 16/7/1998 của BCH Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian (có môn có nguy cơ mai một, thất truyền) đã được các cấp chính quyền và Ban, ngành chức năng từng bước quan tâm phục hồi, gìn giữ. Đó là một điều đáng mừng bởi vốn văn hóa, văn nghệ dân gian quý báu của cha ông có thể được bảo tồn, phát triển cho các thế hệ mai sau.
       Có những môn nghệ thuật một thời từng bị coi rẻ (như hát Xẩm) hoặc đánh đồng với hoạt động mê tín dị đoan và bị cấm đoán như Hầu đồng nay đã được khuyến khích và công khai hoạt động bởi quan điểm “gạn đục, khơi trong” và gìn giữ, phát huy giá trị.
       Trước khi nói đến hoạt động hát xẩm ở Hải Phòng cũng cần nói đến nét độc đáo của nghệ thuật Xẩm.
       Hát xẩm là môn nghệ thuật xưa phổ biến ở vùng đồng Bằng và Trung du Bắc bộ trước cách mạng tháng Tám. Có thể nói, trong các loại hình văn nghệ dân gian, hát xẩm là môn nghệ thuật độc đáo nhất bởi những đặc điểm sau:
       Thứ nhất, chỉ có hát Xẩm được coi là một nghề kiếm sống thời xưa bởi nó gắn liền với việc biểu diễn kiếm tiền của những nghệ nhân lang thang.
       Thứ hai, là loại hình ca nhạc bình dân nơi chợ búa, bến đò, bến xe, bến tầu, nơi cộng cộng, hát xẩm không có địa điểm biểu diễn cố định, sang trọng như hát chèo, ca trù hay hát văn.
       Thứ ba, các môn nghệ thuật khác như chèo, tuồng, ca trù chỉ có một ngày giỗ tổ nghề nhưng hát xẩm không hiểu sao lại có tới 2 ngày giỗ tổ sư sáng tạo ra nghệ thuật này là ngày 22 tháng 2 hoặc ngày 22 tháng 8 âm lịch hằng năm. Có lẽ đây là ngày sinh và ngày mất của vị hoàng tử tương truyền là người sáng tạo ra nghệ thuật này chăng?
       Thứ tư, người hát xẩm xưa thường là người mù; Giai điệu và lời hát xẩm thường não nề, buồn tủi, than thân trách phận nhằm gợi lên nỗi thương tâm nơi người nghe để lay động tình người, mong được người xem thưởng tiền, bố thí. Thời nay lời Xẩm còn có cả nội dung chế giễu, gây cười, đả kích thói hư tật xấu trong xã hội hoặc tái hiện đặc điểm lịch sử một vùng đất, ca ngợi công cha  nghĩa mẹ, ơn Đảng…)
       Thứ năm, trong hệ thống làn điệu của xẩm, có những làn điệu hấp dẫn, đặc sắc đến mức các loại hình nghệ thuật khác như chèo, quan họ và thậm chí là ca trù (thể loại kén khán giả nhất) đều phải “vay mượn”. Ví dụ, điệu xẩm huê tình khi được các đào nương, kép đàn ca trù du nhập vào trong hình thức ca quán thường được gọi là điệu xẩm cô đầu (hay xẩm nhà trò).
       Thời phong kiến-thực dân, các nghệ nhân ca hát nói chung bị coi khinh là hạng “xướng ca vô loài”. Trong đó người hát xẩm lại thuộc thứ hạng thấp nhất trong nghiệp cầm ca, Vậy mà, ngày nay các nhà nghiên cứu lại thấy rằng Xẩm có hệ thống làn điệu phong phú, lời ca bình dân, với lối hát tự sự dễ đi vào lòng người nên cuốn hút được đông đảo người nghe, nhất là tầng lớp lao động chân tay và hạ lưu.
       Từ chỗ chỉ được biểu diễn nơi góc chợ, bến sông, những nơi có đông người qua lại, những năm gần đây xẩm còn được thực hành trên sân khấu, thậm chí người ta còn đưa hát xẩm vào sân đình, nghĩa là đã coi hát xẩm ngang với các lối hát cửa đình dâng thánh (thuộc phần nghi lễ trong hội làng).
       Các nhà nghiên cứu xếp Xẩm vào thành phần âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp và nó cũng chứa đựng hầu hết những đặc tố cơ bản của âm nhạc dân gian. Vậy nên có thể coi hát xẩm là loại hình ca nhạc dân gian mang tính chuyên nghiệp.
       Điểm qua về sự thăng trầm của môn nghệ thuật bình dân này:
       Những năm 60 trở về trước, hát xẩm thông dụng ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Sơn Tây, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…. Sau đó vì những nguyên nhân khác nhau về môi trường xã hội, đặc biệt là những quan niệm sai lầm của chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa, các phường xẩm dần tan rã, không còn hoạt động nữa.
       Các nghệ nhân xẩm tài danh mất dần, mang theo những tinh hoa của nghệ thuật xẩm mà không truyền lại được cho thế hệ kế tiếp.
       Những năm 80 của thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng khôi phục lại nghề hát Xẩm nhưng không thành công. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ V (khóa 8) của Đảng (năm 1998) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các loại hình văn hóa – văn nghệ dân gian truyền thống được quan tâm bảo tồn, phát triển. Từ năm 2005, một số nghệ sĩ, nhạc sĩ thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã từng bước đưa Xẩm trở lại với công chúng ở Hà Nội. Những nghệ sĩ tâm huyết với Xẩm và những người yêu Xẩm ở các nơi cũng dần dần tìm cách khôi phục, bảo tồn nghệ thuật này. Hải Dương, Hà Nội, Hà Tây, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, … đều hình thành các câu lạc bộ xẩm (chiếu Xẩm).
       Quá trình hình thành và phát triển của chiếu Xẩm Hải Phòng:
       Có thể nói ở Hải Phòng, người góp nhiều công sức nhất cho việc bảo tồn, quảng bá nghệ thuật xẩm là nghệ nhân Dân gian Việt Nam Đào Bạch Linh (sinh năm 1983). Anh được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong danh hiệu cao quý này năm 2016 vì những cống hiến hết mình cho sự nghiệp gìn giữ, phát triển vốn văn nghệ dân gian Việt Nam. Từ khi còn là sinh viên khoa Công nghệ Thông tin Đại học Bách Khoa tại Hà Nội, cứ cuối tuần anh lại lặn lội về thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình học đàn, hát xẩm từ Nghệ nhân Dân gian Việt Nam Hà Thị Cầu – người cuối cùng còn giữ được lối hát ca trù cổ. Từ một chàng thanh niên xuất thân không trong một gia đình nghệ thuật, chỉ bằng lòng đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng loại hình văn nghệ dân gian này mà Đào Bạch Linh đã tự học thành tài để có thể vừa miệng hát, tay kéo nhị, chân dập phách.
       Thạo nghề, Đào Bạch Linh không ngừng truyền dạy nghệ thuật này cho những người hâm mộ xẩm, làm sống lại nghệ thuật Xẩm ở Hải Phòng vào đầu năm 2010 với việc tập hợp những người yêu thích nghệ thuật này lại để phổ biến, học hỏi lẫn nhau. Sau đó, tháng 3 năm 2013 nhóm xẩm của anh tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa quận Lê Chân với tên gọi câu lạc bộ (CLB) Hải Thành. CLB Hải Thành của Linh hiện có khoảng hơn 20 hội viên mà người ít tuổi nhất là 7 tuổi và cao tuổi nhất là 76. Năm 2015 chiếu xẩm Hải Thành trở thành một CLB của Hội Văn nghệ Dân gian thành phố trực thuộc Hội LHVHNT Hải Phòng với những hoạt động ngày càng bài bản.
       Ninh Bình từng có những nghệ nhân nổi tiếng về nghệ thuật Xẩm như cụ Chánh Trương Mậu và vợ là cụ Hà Thị Cầu – được mệnh danh là “báu vật nhân văn sống” của môn nghệ thuật hát xẩm. Bà còn được Nhà nuớc tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Sau khi cụ Cầu qua đời, tiếp nối truyền thống, hiện nay con gái cụ là cô Nguyễn Thị Mận vốn học được từ mẹ lối hát xẩm độc đáo cũng thành lập nhóm Xẩm mang tên Hà Thị Cầu và truyền dạy cho nhiều cháu thiếu nhi yêu thích môn nghệ thuật này ở ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Đào Bạch Linh, vốn có mối quan hệ gắn bó với gia đình cụ Cầu nên những năm qua thường xuyên giao lưu cùng nhóm xẩm Hà Thị Cầu. Năm 2019 CLB Hải Thành của Đào Bạch Linh cùng CLB xẩm Hà Thị Cầu của cô Nguyễn Thị Mận càng khăng khít hơn trong quan hệ phối hợp hoạt động khi Đào Bạch Linh được mời làm Phó Chủ nhiệm CLB hát xẩm Hà Thị Cầu, phụ trách chuyên môn kỹ thuật đàn nhị, phách và hát xẩm. Đây cũng là cơ hội để môn nghệ thuật này của hai địa phương phối hợp hoạt động trao đổi, học hỏi lẫn nhau, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Xẩm. Nghệ nhân Dân gian Đào Bạch Linh giờ đây càng bận rộn hơn khi anh thường xuyên phải qua lại Ninh Bình – Hải Phòng cùng cô Nguyễn Thị Mận điều hành, hướng dẫn học viên CLB học hỏi, thực hành nghệ thuật xẩm. Điều đáng mừng là tại xã Yên Phong huyện Yên Mô (Ninh Bình), trong CLB Xẩm có rất nhiều bạn thiếu nhi, cho thấy đang hình thành lớp kế cận của môn nghệ thuật này. Anh cho biết hiện nay CLB Xẩm Hà Thị Cầu đã phát triển được 5 nhóm truyền dạy nghệ thuật này cho các bạn trẻ (3 ở Yên Phong, 01 ở Yên Nhân, 01 ở Cổn). Chưa kể các buổi sinh hoạt tại gia của chiếu xẩm Hải Thành và biểu diễn đột xuất theo lời mời thì lịch hoạt động của Đào Bạch Linh đã quá bận rộn. Có lẽ vì vậy mà năm 2019 vừa qua anh phải xin nghỉ việc tại Sở ngoại vụ Hải Phòng là nơi anh công tác để thỏa đam mê theo đuổi nghệ thuật xẩm.
       Ngày 12/10/2020 chiếu xẩm Hải Thành trở thành CLB hát Xẩm Hải Phòng trực thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố theo quyết định của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của giáo phường Xẩm thành phố với Ban Chủ nhiệm CLB đứng đầu là nghệ nhân Dân gian Việt Nam Đào Bạch Linh. Được biết, hiện tại ở thành phố Hải Phòng có 3 nhóm xẩm do Đào Bạch Linh chỉ đạo hoạt động là nhóm: xẩm Hải Thành thuộc Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng, xẩm Hải Phòng thuộc trung tâm Văn hóa (VH) thành phố và xẩm Lạc Viên thuộc Trung tâm VH quận Ngô Quyền.
       Trước đây chiếu xẩm Hải Thành sinh hoạt 4 buổi/tuần tại nhà riêng của nghệ nhân Đào Bạch Linh, trong đó 2 buổi dành cho việc học hát và 2 buổi học đàn. Hiên nay, do quá bận rộn, chiếu xẩm chỉ sinh hoạt 2-3 buổi/tuần. Hạn chế của chiếu Xẩm, theo tôi là chưa phát triển thêm được những hội viên nhỏ tuổi (hiện mới có 2 cô trò nhỏ)
       Lĩnh vực thực hành-biểu diễn, quảng bá Xẩm của chiếu Xẩm Hải Phòng được thể hiện qua những hoạt động sau đây:
       Chiếu Xẩm Hải Thành thường tham gia biểu diễn tại các lễ hội truyền thống địa phương ở Hải Phòng như Lễ hội nữ tướng Lê Chân, lễ hội Minh Thề ở Kiến Thụy, lễ hội làng Cốc Liễn (xã Minh Tân-Kiến Thụy), Tràng Kênh (Thủy Nguyên) … và lễ hội một số địa phương khác ở Hà Nội mà giáo phường Đình làng Việt được mời tham dự (chiếu Xẩm của Đào Bạch Linh là thành viên giáo phường). Nhân tiện cần nói thêm, “Đình làng Việt” là một giáo phường tập hợp rất đông số lượng hội viên khắp cả nước (tới 800-900 người đăng ký tham gia), hoạt động sôi nổi, rộng khắp khi tổ chức các sự kiện văn hóa-nghệ thuật, thăm quan tìm hiểu các công trình đình, đền, miếu nổi tiếng trong cả nước và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam. Tháng 11 năm 2018 giáo phường Đình làng Việt tổ chức một hoạt động quảng bá lớn cho nghệ thuật Xẩm với tên gọi “Hát xẩm: từ chợ đến đường phố” với các cuộc tọa đàm, hội thảo và biểu diễn hát xẩm.
       Ngoài ra chiếu xẩm Hải Thành còn tham gia Liên hoan nghệ thuật Dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ dân gian giữa các địa phương. Đơn cử là tại cuộc Liên hoan hát xẩm toàn quốc lần thứ nhất tại Ninh Bình (do tập đoàn VINGROUP tài trợ) tháng 12 năm 2019 Xẩm Hải Phòng đạt 01 huy chương vàng cá nhân của chủ nhiệm chiếu xẩm Đào Bạch Linh khi anh vinh dự được biểu diễn khai mạc với tiết mục “Theo Đảng trọn đời” (lời do Nghệ nhân ưu tú Hà Thị Cầu soạn). Với uy tín, nhờ sự vận động của anh cùng một số lãnh đạo tỉnh Ninh Bình mà tập đoàn VINGROUP nhận lời tài trợ mỗi tháng 3 triệu đồng cho các chiếu xẩm ở các địa phương duy trì hoạt động (riêng chiếu xẩm Hải Thành không nhận mà tự túc hoạt động dù từ trước đến nay không có tổ chức nào hỗ trợ)
       Ngoài ra, theo lời mời của các cá nhân và đơn vị hâm mộ, CLB Xẩm Hải Phòng cũng đến biểu diễn tại gia hoặc tại trụ sở các công ty, tổ chức và thường nhận được sự thích thú, tán thưởng của công chúng xem biểu diễn. Hoạt động này góp phần làm lan tỏa giá trị nghệ thuật Xẩm và góp phần quảng bá môn nghệ thuật dân gian truyền thống này. Có lần các nghệ nhân xẩm Hải Phòng còn vinh dự được mời biểu diễn tại trụ sở Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội và khi tập đoàn VINGRUP khánh thành tòa nhà 45 tầng tại trung tâm khu đô thị Vinhomes Imperia Hải Phòng (ngày 19/1/2019) nhóm Xẩm của anh cũng được mời tới trụ sở Công ty đại diện tập đoàn để biểu diễn. Mục đích biểu diễn Xẩm của CLB Hải Thành không lấy lợi nhuận là chính mà nhằm tới mong muốn giới thiệu, quảng bá môn nghệ thuật này để nhiều người thấy được cái hay của nó, yêu thích và có thể tìm đến học hỏi, nhờ vậy Xẩm được bảo tồn, trao truyền tới các thế hệ sau.
       Trong những lần hội diễn, hội thi văn nghệ dân gian các địa phương, chiếu xẩm Hải Phòng nhiều lần đạt thành tích tốt, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và phần thưởng của Ban tổ chức, gây được tiếng vang trong dư luận. Đơn cử, 5/12/2020 tại Nhà hát lớn thành phố, tại vòng chung khảo Liên hoan tiếng hát Doanh nhân Hải Phòng lần thứ 3 năm 2020, CLB Xẩm Hải Phòng đã đạt 1 huy chương vàng cá nhân. Tháng 12/2021 CLB Xẩm Hải Phòng đã tổ chức thành công một buổi biểu diễn nghệ thuật xẩm tại Trung tâm Văn hóa TP với sự chuẩn bị cẩn thận về kịch bản, dàn dựng, được lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao duyệt và dự khán cùng đại diện Hội Liên hiệp VHNT, các CLB văn nghệ Dân gian trực thuộc Trung tâm VH thành phố.
       Những năm gần đây, mỗi năm hai lần (vào ngày 22 tháng 2 và 22 tháng 8 âm lịch hằng năm) CLB (nay là giáo phường) xẩm Hải Thành đều tổ chức giỗ tổ nghề hát xẩm tại đình Niệm Nghĩa hoặc đình Hào Khê, có mời một số nhóm, CLB Dân gian các tỉnh lân cận tham gia giao lưu văn nghệ, học hỏi lẫn nhau. Điển hình là lễ giỗ tổ nghề sáng ngày 7/4/2018 (ngày 22 tháng 2 ÂL) tại đình Hào Khê thuộc phường Kênh Dương, quận Lê Chân có sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân, nghệ sĩ có tên tuổi thuộc các nhóm nghệ thuật, các CLB và giáo phường như Đình Làng Việt (Hà Nội), câu lạc bộ UNESCO Hà Nội, chiếu xẩm Hà thành của NSUT Mai Tuyết Hoa, “Còn duyên” tỉnh Vĩnh Phúc, chiếu xẩm Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định.
       Giáo phường Xẩm Hải Thành đã và đang đóng góp tích cực cho sự nghiệp giữ gìn, phát triển và quảng bá nghệ thuật Xẩm tại một số nơi như giúp đỡ thành lập nhóm xẩm, hướng dẫn chuyên môn và cách duy trì sinh hoạt chiếu xẩm cho CLB Đất Việt ở Tp. Hồ Chí Minh, nhóm Xẩm ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), CLB hát xẩm Kim Ngân, CLB Liên Hoa của Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Đạt ở Đài Tiếng nói Việt Nam…
       CLB Xẩm Hải Thành đã giúp một số trường phổ thông như tiểu học Đằng Lâm, Đông Khê, THCS Tràng Cát, Kiến An dàn dựng tiết mục tham gia thi Liên hoan tiếng hát học sinh-sinh viên Hải Phòng và dành được một số giải cao về nghệ thuật hát xẩm.
       Hoạt động tích cực bảo tồn vốn cổ của cha ông của CLB Hải Thành đã được các phương tiện truyền thông đại chúng quan tâm, tìm hiểu và giới thiệu. Chiếu xẩm Hải Thành với Chủ nhiệm Đào Bạch Linh thường được các báo, đài PTTH Hải Phòng và Trung ương như VTV1, VTV3, VTV16, báo điện tử Dân Việt… quay phim, phỏng vấn và đưa tin (thường là trên các chuyên mục Văn hóa-Văn nghệ). Nhờ vậy Xẩm Hải Phòng có điều kiện được nhiều người biết tới, cũng nhờ vậy, số người tìm đến học Xẩm cũng ngày một tăng. Đó là một điều đáng mừng. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Đào Bạch Linh được mời tham gia biểu diễn Xẩm trong đêm nhạc chầu văn “Văn ca từ tâm” của nghệ sĩ Lê Hoài Thanh diễn ra tại sân khấu của Trung tâm nghệ thuật tỉnh Hà Nam vào tối 3/10/2020.
       Là hội viên Hội văn nghệ Dân gian, thuộc nhóm sưu tầm-nghiên cứu- quảng bá vốn văn nghệ Dân gian, những năm qua tôi đã tích cực tìm hiểu, theo dõi các hoạt động của chiếu xẩm Hải Thành, tham dự nhiều hoạt động của CLB và mấy lần được các phương tiện truyền thông như VTV 16 (kênh quốc phòng Việt Nam), báo điện tử Dân Việt ghi hình, phỏng vấn về nghệ thuật xẩm Hải Phòng khi làm phóng sự, chương trình về CLB xẩm Hải Thành. Ngoài ra, để quảng bá xẩm Hải Phòng, tôi cũng viết nhiều bài giới thiệu về hoạt động của chiếu xẩm Hải Thành, về Đào Bạch Linh – người đứng đầu CLB này trên các tạp chí như: “Khoa học & Kinh tế Hải Phòng” (của Liên hiệp các Hội KHKT Hải Phòng), “Cửa biển” của Hội LHVHNT thành phố và trên trang website của CLB Hải Phòng học góp phần nhỏ bé cho công cuộc bảo tồn, quảng bá môn nghệ thuật dân gian độc đáo này.


Tác giả trả lời phỏng vấn trong chương trình “Hải Phòng những góc nhìn” của Đài Phát thanh & Truyền hình HP.

        Hoạt động truyền dạy Xẩm ở Hải Phòng: Những năm qua nhóm Xẩm của Đào Bạch Linh đã truyền dạy môn nghệ thuật này cho một số người lớn và trẻ em từ chỗ không biết gì đến khi có thể kéo nhị, gõ phách, đánh trống cơm hoặc hát xẩm. Có những em như Sơn “Xẩm” được thầy Linh tận tình nuôi dạy nay đã thành tài, tự lập chiếu Xẩm riêng và nhận được nhiều lời mời biểu diễn ở các nơi.
       Từ năm 2013 đến 2018 Đào Bạch Linh còn xuống trường khiếm thị Hải Phòng dạy Xẩm miễn phí cho các em nhỏ tàn tật với mong muốn gieo cho các em nhỏ niềm đam mê nghệ thuật, giúp các em có thể tự kiếm sống bằng môn nghệ thuật đàn và hát Xẩm. Anh đã thỉnh giảng ở đây với tần suất 3 buổi/tuần cho đến khi trường không có nhu cầu dạy Xẩm mới thôi. Có lần học sinh khiếm thị mà Linh dạy dự Hội thi Văn nghệ trường học và cơ sở đào tạo toàn quốc đã đạt huy chương vàng cá nhân. Rất tiếc, do nhiều lý do (trong đó có việc dịch covd hoành hành) mà hoạt động truyền dạy Xẩm trong nhà trường gặp nhiều khó khăn, khó tập hợp được người học.
       Lịch hoạt động của Đào Bạch Linh dày đặc, anh kể rằng, hằng tuần cứ chiều thứ sáu anh lên Hà Nội để sáng thứ bảy dạy xẩm cho nhóm khiếm thị của CLB Tâm Việt thuộc Hội người mù Hà Nội. Chiều thứ bẩy anh lại về xã Yên Phong huyện Yên Mô (Ninh Bình) để ngày chủ nhật dạy cho 2 nhóm xẩm thuộc CLB Hà Thị Cầu. Sáng thứ hai Linh lại quay về Hải Phòng để dạy cho lớp Xẩm tại trường trung học Văn hóa Nghệ thuật vào thứ ba và thứ năm. Với tâm huyết và cống hiến không mệt mỏi cho việc truyền dạy vốn văn hóa của cha ông đang có nguy cơ thất truyền như vậy mà tiếng tăm của Nghệ nhân Dân gian Đào Bạch Linh không ngừng vang xa. Anh thường xuyên được các báo, đài địa phương và Trung ương tìm đến phỏng vấn, làm phóng sự.
       Nhằm tìm hướng truyền dạy Xẩm một cách chuyên nghiệp, từ năm 2018 đến nay, CLB Xẩm Hải Thành kết hợp với Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng tuyển sinh, mở lớp dạy Xẩm cho các thí sinh đăng ký học. Thành quả của nhiệt huyết này là đã mở được 03 lớp học theo các mốc nhập học (thời gian học 4 năm) với  30 môn sinh. Đây là một cố gắng mà chưa một cơ sở đào tạo giáo dục nào trên cả nước làm được.
       Đó là những cố gắng đáng ghi nhận của CLB xẩm Hải Thành trong việc gìn giữ, trao truyền vốn nghệ thuật dân gian đặc sắc của cha ông cho các thế hệ kế tiếp.
Kiến nghị: Là một người hâm mộ nghệ thuật hát xẩm, lại là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng, tôi có một vài suy nghĩ:
       Với những giá trị nghệ thuật và nhân văn đặc sắc của nghệ thuật Xẩm, tôi hy vọng một ngày không xa nghệ thuật Xẩm của Việt Nam sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như những loại hình văn nghệ dân gian khác như ca trù, hát xoan, hát quan họ, ví dặm hay đàn ca tài tử.
       Nhưng để điều đó trở thành hiện thực, trước hết các Hội, ngành chức năng cần nhiệt tình thúc đẩy việc nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá Xẩm. Tôi nhận thấy hiện nay các Ban, ngành chức năng chưa quan tâm một cách thích đáng cho việc gìn giữ, quảng bá, phát triển môn nghệ thuật này.
       Để tạo điều kiện cho việc này, một trong những việc cần làm là thành lập một Trung tâm nghiên cứu-bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Hải Phòng (trong đó có các loại hình văn nghệ Dân gian như hát Xẩm). Để hoạt động hiệu quả, theo tôi Trung tâm này phải có tư cách pháp nhân, do Thành phố ra quyết định thành lập (có thể trực thuộc Sở Văn hóa-Thể thao). Trung tâm sẽ quy tụ các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà quản lý văn hóa với nhiệm vụ đi sâu tìm hiểu, khai thác và quy tụ các giá trị văn hóa phi vật thể địa phương như văn nghệ dân gian, lễ hội dân gian… thành các sản phẩm thành văn, các công trình nghiên cứu, lưu giữ chúng một cách lâu dài bằng các vật phẩm ghi âm, ghi hình. Đây sẽ là các giá trị văn hóa giúp thúc đẩy phát triển du lịch địa phương và nhất là bảo tồn vốn văn hóa-văn nghệ dân gian quý báu của cha ông trước nguy cơ mai một, thất truyền.
       Mặt khác, các Ban, ngành chức năng như Văn hóa-Thể thao, hội chức năng (Văn nghệ Dân gian, Hội Liên hiệp VHNT) và các cơ quan hữu quan cần chú ý có cơ chế tạo điều kiện về vật chất và tinh thần động viên các nghệ nhân dân gian duy trì nghề của mình, khuyến khích họ nâng cao tay nghề, giọng hát, gìn giữ và truyền dạy môn nghệ thuật độc đáo mà họ nắm giữ đang có nguy cơ mất dần.
       Nên chăng thành phố cần quan tâm hơn nữa đến việc quảng bá các môn nghệ thuật dân gian bằng cách mời các CLB như hát chèo-hát văn, ca trù, hát xẩm, hát quan họ tham gia biểu diễn tại các lễ hội truyền thống địa phương, hay tổ chức định kỳ các cuộc liên hoan, thi văn nghệ dân gian. Để động viên, khuyến khích các nghệ nhân duy trì, phát triển môn nghệ thuật dân gian của mình, nên chăng cần có giải thưởng thích đáng cho những thành tích mà họ dành được tại các Hội thi hay Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống khu vực hoặc toàn quốc.
       Cuối cùng là, thành phố cần nghiên cứu việc đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông các môn nghệ thuật dân gian cho các nhóm sở thích như hát chèo, hát xẩm, hát văn, ca trù… nhằm khuyến khích các em học sinh niềm yêu thíchvăn nghệ dân gian, luyện học chúng, qua đó mà trao truyền giá trị văn hóa cha ông tới các thế hệ sau. Biết đâu, trong số các em sẽ có người say mê theo đuổi chúng mà thành tài. Đây cũng là cách để bảo tồn nghệ thuật dân gian truyền thống-vốn quý của cha ông ta.

       Phạm Văn Thi, Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học