Bảo tồn kiến trúc cảnh quan tuyến nam sông Cấm, Hải Phòng

Một biệt thự thời Pháp thuộc ở phố Điện Biên Phủ (nay). Ảnh internet.

          Hạt nhân đầu tiên để từ đó Hải Phòng phát triển lên thành một đô thị không phải là một thành lũy trụ sở phong kiến như Hà Nội, cũng không phải là một thị trấn lớn với những luồng giao thương quốc tế như ở Hội An. Xuất phát từ một làng chài nhỏ ở gần cửa sông, ở đó có một bến thuyền, tiếp theo là một trạm thuế quan và một đồn canh nơi cửa biển, kết hợp trong mình đồng thời hai chức năng kinh tế và quốc phòng. Với tính chất đặc biệt như vậy nên trong quá trình hình thành và phát triển, Hải Phòng, có khá nhiều những giá trị cần lưu giữ và bảo tồn. Chính vì vậy, tuyến Nam sông Cấm – khu nhượng địa đầu tiên chứa đựng nhiều nét đặc trưng, tính chất của thành phố Hải Phòng với các con đường: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Bến Bính, Cù Chính Lan, cảng Hải Phòng….cần được bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc của kiến trúc Hải Phòng.
          Hiện trạng kiến trúc cảnh quan tuyến Nam sông Cấm
          Hiện trạng về môi trường – cảnh quan: các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc tuyến Nam sông Cấm được xây dựng từ thời Pháp thuộc được tiến hành trên các phương án quy hoạch khá hoàn chỉnh và trải qua nhiều lần đìều chỉnh cho phù hợp. Điều dễ dàng nhận thấy là môi trường và cảnh quan trong đô thị cũng như trong từng công trình đã được quan tâm và bố trí một cách linh hoạt, tiện lợi. Các công viên được bố trí và thiết kế rất nghệ thuật với các kỹ thuật trồng và xén tỉa theo kiểu phương Tây. Một số cây bóng mát, hoa rau ở châu Phi, châu Mỹ, châu Âu được di thực và thuần hóa. Đáng kể nhất là cây hoa phượng đã trở thành biểu tượng của thành phố. Dải cây xanh của Nhà khách thành phố và của trụ sở UBND thành phố tồn tại từ thời Pháp thuộc đến bây giờ là lá phổi xanh của không chỉ của bản thân công trình mà còn phục vụ cho cả khu vực.
          Trong các công trình, môi trường là sự kết hợp giữa công trình xen lẫn cây xanh. Các công trình với cây xanh xen lẫn nằm rải rác trên các trục phố. Bên cạnh chức năng cải tạo môi trường cho bản thân công trình, không gian và cảnh quan thiên nhiên cũng có ảnh hưởng lớn đến tạo hình trong kiến trúc.
          Tại hầu hết các tuyến phố, các trụ sở và biệt thụ nằm trong các khuôn viên rộng rãi, đường phố trải dài, hai bên là cây xanh bóng mát. Môi trường vẫn giữ được tính thống nhất và không khí trong lành như khi ban đầu mới được xây dựng.
          Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn lại cần được khắc phục như :
          + Mật độ dân cư đông đúc cùng với các phương thức buôn bán và sinh sống đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường khu vực.
          + Diện tích cây xanh, diện tích sân trong các công trình, đường phố bị thu hẹp do nhu cầu kinh doanh và buôn bán của người sử dụng.
          + Cơ sở hạ tầng hầu hết được sử dụng thời Pháp thuộc như: Hệ thống cấp thoát nước, hệ thống lưới điện chưa được cải tạo và nâng cấp kịp thời nên hay xảy ra sự cố. Khi trời mưa to hoặc liên tục kéo dài nhiều ngày thì tại một số công trình vẫn xảy ra tình trạng ngập nước hoặc một số sự cố điện khác.
          + Sự xuất hiện một số công trình cao tầng ít nhiều đã phá vỡ cảnh quan vốn có của một số khu phố. Sự ra đời của một số công trình mới này cũng kéo theo số lượng người đến sử dụng tăng lên đáng kể với các chức năng sử dụng khác.
          Hiện trạng cơ sở hạ tầng: Về tổng thể qui hoạch thì khu vực nghiên cứu gần như được giữ lại giống với thời Pháp thuộc, không bị thay đổi nhiều. Đường phố được qui hoạch theo kiểu ô bàn cờ với các phân khu chức năng rõ rệt, các công trình kiến trúc được xây dựng ở thời kì này đều mang đậm nét phong cách châu Âu. Do có cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ từ đầu nên tại những khu phố này có hệ thống hạ tầng rất hoàn chỉnh và đến nay vẫn hoạt động tốt. Các khu phố trong khu vực nghiên cứu hầu như còn giữ lại được hầu hết các công trình và đặc điểm của kiến trúc thời Pháp thuộc.

Bảo tàng Hải Phòng nay (nguyên là Ngân hàng Pháp-Hoa thời Pháp thuộc).
         

          Hiện trạng kiến trúc: Những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc tuyến Nam sông Cấm kể cả sau khi được chuyển đổi chức năng hầu như vẫn là công trình công cộng, nên sự thay đổi quá nhiều về kiến trúc cũng ít xảy ra. Đối với các công trình được chuyển đổi thành công trình công cộng, do kinh phí ít, đầu tư không đồng bộ nên quá trình cải tạo các hệ thống kỹ thuật này diễn ra thời vụ và lắt nhắt, chưa có một kế hoạch định hướng cụ thể nào. Còn với những công trình được giao cho các hộ dân sử dụng thì mức độ xuống cấp còn tệ hại hơn nhiều. Một căn biệt thự với khuôn viên đẹp đẽ thường được chia cho rất nhiều hộ sử dụng. Do nhu cầu về diện tích nên đã dẫn đến tình trạng cơi nới, lấn chiếm khuôn viên, các hộ tự ý sửa chữa, nâng cấp, cải tạo khiến một số công tình bị méo mó và biến dạng so với nguyên trạng ban đầu.


Một căn biệt thự tư nhân xây dựng từ thời Pháp thuộc.

          Hiện trạng bảo tồn: Các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc tuyến Nam sông Cấm trải qua thời gian và những biến cố lịch sử ít nhiều đều có những thay đổi tùy theo từng thể loại công trình.
          Một số công trình như: Ngân hàng thành phố, Ngân hàng Viêtcombank, Bưu điện thành phố, trụ sở UBND thành phố…còn giữ lại được khá nguyên vẹn giá trị kiến trúc từ: tổng thể, cảnh quan xung quanh (bố cục sân vườn, cây cối…) cấu trúc mặt bằng, phong cách kiến trúc mặt đứng cho đến từng chi tiết, cổng tường rào.
          Một số công trình giữ lại được kiến trúc ban đầu, tuy nhiên do chưa được quan tâm đầu tư cải tạo đúng mức, cũng như ý thức của người sử dụng kém nên đã xuống cấp nghiêm trọng ở mức báo động. Có thể kể ra đây các công trình như: Bệnh viện Quân y 203, Xí nghiệp khảo sát đường thủy, các hộ dân ở tại Công ty CP vận tải và dịch vụ….
          Ngoài ra do sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh như: thời gian, sự tàn phá của chiến tranh cùng với những biến động về kinh tế xã hội, một số công trình được cải tạo đáp ứng một phần nào yêu cầu về thẩm mỹ kiến trúc, vấn đề bảo tồn công trình không được đáp ứng đúng mức nên nhiều công trình có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc đã bị xâm phạm và can thiệp thô bạo, bóp méo hình ảnh và biến những công trình này thành những sản phẩm nửa vời và kệch cỡm.
          Như vậy, vấn đề bảo tồn các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc tuyến Nam sông Cấm chưa được quan tâm đúng mức và chưa mang tính xã hội, cộng đồng. Chỉ một số ít công trình được sửa chữa, tôn tạo, tuy nhiên cũng chưa có định hướng và phương pháp rõ rệt cụ thể.
          HỆ THỐNG CÁC GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC, QUI HOẠCH, CẢNH QUAN.
          Như đã nói ở trên, trong định hướng qui hoạch thành phố Hải Phòng đến năm 2020, các nhà quy hoạch đã xác định, kiến trúc của khu phố Pháp ở Hải Phòng vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong hệ thống đô thị. Đây là một quỹ đô thị rất đặc trưng, quí giá và là một di sản về kiến trúc của thành phố Hải Phòng.
          Các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc tuyến Nam sông Cấm là một tổng thể kiến trúc có có giá trị đặc biệt. Các công trình ban đầu này còn là sự áp đặt của chế độ thực dân, nhưng sau này cùng với các phương án quy hoạch đô thị của kiến trúc sư Pháp đều đã được tìm tòi trong kiến trúc nhằm thích nghi với môi trường truyền thống và đặc biệt là sự phù hợp với môi trường thiên nhiên. Tuy một số công trình cảnh quan đã bị xâm phạm và không còn nguyên vẹn như ban đầu, nhưng giá trị đóng góp của các công trình còn lại là không thể chối bỏ.Những khoảng xanh còn lại, những công trình ở điểm góc, nút tạo nên những tuyến phố rất đặc trưng.
          Phong cách Thực dân tiền kỳ sử dụng cho mục đích quân sự là trụ sở cơ quan hành chính, các cơ quan giao thông thủy, ty thủy đội và các cơ quan vận tải đường thủy hoặc bệnh viện cho binh lính Pháp…được xây dựng trong thời kỳ đầu khi người Pháp tiếp quản khu nhượng địa này và tác giả đều là các kỹ sư công binh Pháp nên các công trình theo phong cách thực dân tiền kỳ mang những nét đặc trưng hết sức đơn giản.
          Phong cách Cổ điển: khi người Pháp tiến hành xây dựng công trình kiến trúc khu nhượng địa, họ đã áp đặt phong cách cổ điển châu Âu và Pháp một cách nguyên si từ Pháp sang. Các công trình theo phong cách này đều là các công trình có tầm quan trọng về chính trị văn hóa như trụ sở các cơ quan quyền lực của chính quyền thực dân.
          Phong cách Tân cổ điển được ra đời sau một thời gian dài người Pháp có mặt ở Hải Phòng, nên những công trình mang phong cách này là một dấu ấn về tầm quan trọng (trong khu vực nghiên cứu là : Ngân hàng nhà nước, còn ngoài khu vực nghiên cứu chính là: Nhà hát lớn Hải Phòng). Phong cách này có xu hướng phục cổ La Mã để khoác lên mình đề cao uy tín và trấn áp quần chúng. Phong cách này cũng nhấn mạnh tính đối xứng, tính bền vững trang nghiêm. Tuy nhiên, các chi tiết đã được lược giản hơn, đồng nghĩa với tính trang trí cũng ít hơn so với phong cách Cổ điển.
          Phong cách Địa phương Pháp được thể hiện ở các công trình nhà ở chủ yếu do tâm lý “vọng quê” của các chủ nhà Pháp. Ngoài ra chỉ thấy nó xuất hiện chủ yếu ở các công trình công cộng là các trường hợp thời bây giờ. Phong cách này chủ yếu thể hiện ở các biệt thự hoặc biệt thự kết hợp công sở (nửa công sở) và các trường học thời Pháp.
          Phong cách Cận hiện đại xuất hiện vào những năm cuối cùng của người Pháp tại Hải Phòng, bắt đầu loại bỏ các hình thức cổ, tìm tòi cái mới và có tính chất thời đại thông qua việc tận dụng khả năng của các loại vật liệu mới. Các công trình mang phong cách Cận hiện đại thường nhấn mạnh cái đẹp của đường nét với việc bắt đầu sử dụng vật liệu bê tông.

Một biệt thự hiện nay ở Hải Phòng theo phong cách cận-hiện đại (ảnh sưu tầm)

          Các công trình trong khu nhượng địa là một tổng thể kiến trúc có giá trị đặc biệt, vì khi đó người Pháp được sử dụng một cách toàn quyền khu vực này. Họ đã tiến hành xây dựng ngay những công trình có tính chất không thể thiếu trong nhu cầu cuộc sống hàng ngày (như : Tòa thị chính, Bưu điện, Bệnh viện, Nhà thờ…). Các công trình ở đây có một hệ thống  chức năng và các thể loại công trình công cộng rất phong phú và đa dạng. Trải qua nhiều biến cố và thời gian, nhiều công  trình đã thay đổi chức năng sử dụng của mình. Có thể thống kê các thể loại công trình công cộng trong khu phố Pháp hiện nay như sau: Công trình hành chính ; Công trình giáo dục; Khách sạn; Ngân hàng- Nhà băng; Bệnh viện; Thông tin liên lạc; Các thể loại khác.
          Trong quá trình xây dựng, phát triển khu nhượng địa, người Pháp đã đưa vào những các kỹ thuật xây dựng mới, cầu kỳ về chi tiết, to lớn về qui mô và lạ lẫm về vật liệu. Nó gần như là một bước nhảy vọt trong kỹ thuật xây dựng thời bấy giờ với nhà dân gian của ta vốn được xây bằng những vật liệu hết sức thô sơ và sơ sài. Các công trình được xây dựng đầu tiên là các công trình được xây dựng bằng gạch, mái thường được lợp bằng ngói Tây hoặc ngói đá đen. Các hệ cửa được cuốn bằng vòm gạch. Nhà xây kết cấu gạch chịu lực, nên phần tường tầng một hay tầng hầm có chiều dày rất lớn một phần để chịu lực, phần khác có tác dụng chống nóng rất tốt. Phần sàn sử dụng thép hình. Đó là loại sàn nhà sử dụng thép hình chèn vào giữa các thanh dầm là hàng gạch rỗng cạnh nhau, trên được lát gỗ.
          Thời gian sau, cùng vói sự tiến bộ của phương Tây, sau khi vật liệu bê tông cốt thép được sử dụng rộng rãi đã thay thế cách xử lý thép hình kết hợp với cuốn gạch. Các công trình đã được sử dụng kết cấu bê tông cốt thép cho các phần dầm, sàn lanh tô và hệ thống cột. Phần đế và phần thân thì các công trình khá giống nhau, còn phần mái thì khá đa dạng tùy theo thời điểm xây dựng hay thể loại hoặc phong cách kiến trúc của công trình. Vào thời kỳ đầu, mái các công trình khá đơn giản, sau thì được lợp ngói hoặc đá đen (loại đá này được mang từ Pháp sang). Phần sàn mái phẳng được sử dụng vật liệu bê tông cốt thép. Còn với các mái vòm thì hầu hết được cuốn bằng vòm gạch.
          Càng về sau để hòa nhập với kiến trúc bản địa và một phần vào thời điểm đó khả năng về xây dựng cũng đã có những bước tiến vượt bậc nên các công trình có cách kết hợp khá linh hoạt các vật liệu truyền thống và hiện đại. Phần kết cấu chịu lực như: cột, sàn, mái, lanh tô, dầm được sử dụng vật liệu bê tông cốt thép. Phần mái thường lợp bằng các vật liệu truyền thống như ngói ống hoặc ngói mũi hài bằng đất nung. Phần tường vẫn dùng gạch đất nung và được xây rất dày.
          Các công trình trong khu vực nghiên cứu mang nhiều dáng vẻ khác nhau, biến động qua các thời kỳ khác nhau, thích ứng với đời sống xã hội ở thành phố Hải Phòng. Mặc dù đến nay diện mạo tuyến phố cũng đã thay đổi ít nhiều, nhưng hình dáng kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp vẫn in đậm trên từng con phố, từng công trình.
          GIẢI PHÁP BẢO TỒN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN
          Giải pháp bảo tồn nguyên trạng: Đối với các công trình kiến trúc vẫn còn lưu giữ được phần lớn các giá trị di sản kiến trúc như: cảnh quan môi trường, bố cục mặt bằng, phong cách kiến trúc mặt đứng, vật liệu xây dựng…thì phương án bảo tồn phù hợp nhất, đó là bảo tồn nguyên trạng. Các biện pháp can thiệp vào cho công trình như sau:
          + Không gian xung quanh khuôn viên công trình:
          Cần thiết nên có nghiên cứu phù hợp để tính toán được giới hạn nhằm bảo vệ cho các công trình cũng như môi trường xung quanh như: cần có hay không các không gian đệm bằng cây xanh giữa các công trình và các đối tượng khác, hay nghiên cứu khống chế chiều cao các công trình xây dựng mới nhằm không phá vỡ cảnh quan vốn có của nhóm công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, tuyến Nam sông Cấm…
          + Cảnh quan môi trường:
          Bao gồm toàn bộ hệ thống cây xanh, hoa cảnh trong khuôn viên của công trình.
          Đối với cá loại cây cao, lấy bóng mát và đặc biệt là các loại cây thâm niên mà hình ảnh gắn liền như một phần tạo nên giá trị của công trình cần có sự chăm sóc và bảo dưỡng theo hình khối và chiều cao.
          Đối với các loại cây bụi, thảm cỏ, các loại hoa cần có chế độ bón tỉa theo chủng loại và theo từng mùa.
          Ngoài ra, cần cải tạo và nâng cấp hệ thống kỹ thuật phục vụ cho các loại cây như: thoát nước, tưới tiêu…
          + Bản thân công trình :
          Tiến hành bảo dưỡng theo định kỳ được đặt ra tùy theo từng công trình sao cho phù hợp. Biện pháp bảo dưỡng tùy theo tình hình cụ thể của công trình, có thể là toàn bộ công trình hoặc từng phần, tuy nhiên tránh những biện pháp can thiệp làm thay đổi phong cách kiến trúc, thậm chí là vật liệu xây dựng của công trình nếu chưa cần thiết.
          Có thể thấy rằng, biện pháp bảo tồn cho không gian và cảnh quan môi trường trong khuôn viên công trình có thể áp dụng trong mọi phương án.
          Giải pháp cải tạo khôi phục lại với thực trạng ban đầu: Phương án bảo tồn này thường được áp dụng cho các công trình kiến trúc có những đặc điểm sau :
          Đó là các công trình tuy vẫn lưu giữ được các gía trị kiến trúc đủ để nhận biết được phong cách kiến trúc, nhưng hầu hết các chi tiết hay các loại vật liệu xây dựng hoặc kết cấu chịu lực của công trình bị xuống cấp một cách nghiêm trọng, cần thiết phải tiến hành cải tạo để đảm bảo cho tuổi thọ của công trình và an toàn cho người sử dụng.
          Biện pháp cải tạo cho thể loại công trình này được can thiệp từ các bộ phận từ kết cấu chịu lực, vật liệu xây dựng đến vật liệu trang trí. Với thể loại công trình này, vấn đề an toàn cho người sử dụng được đặt lên trên hết, vì vậy, khi cần thiết thì sự thay đổi ít phần làm ảnh hưởng đến phong cách kiến trúc.
          Danh sách các công trình công cộng cần phải áp dụng phương án bảo tồn và cải tạo trong khu phố Pháp ở Hải Phòng:
          + Xí nghiệp khảo sát đường thủy
          + Các hộ dân ở tại Công ty CP vận tải và dịch vụ.
          + Nhà thờ của Bệnh viện quân Y.
          Giải pháp xây mới những công trình thiết yếu đảm bảo được cu trúc tuyến :
          Nhìn trên mặt bằng tuyến phố thì thấy các công trình vẫn còn khá thưa thớt. Hiện nay, do nhu cầu sử dụng về mặt nhân sự hay giải quyết vấn đề tiện nghi thời đại các công trình đã trở nên chật chội với chính chứ năng của nó, nên đã nảy sinh những công trình được xây mới trong những khuôn viên còn nằm lại nhằm thỏa mãn những nhu cầu trên. Ngoài ra còn có những khoảng trống bị bỏ hoang do những công trình trên đó đã xuống cấp trầm trọng. Vậy phải có nghiên cứu kỹ càng để tìm ra được giải pháp hợp lý cho những khoảng trống xây dựng công trình cần thiết nhằm đảm bảo cấu trúc tuyến.
Giải pháp phối hợp: Phương án bảo tồn này thường được áp dụng cho các công trình có những đặc điểm sau :
          Cũng vẫn là các công trình vẫn còn lưu giữ được phần lớn giá trị kiến trúc, tuy nhiên do những tác động của ngoại cảnh như: môi trường, thời tiết, các chi tiết kiến trúc sơn bả, một số vật liệu trang trí cũng như xây dựng bị tàn phá và xuống cấp. Hay cảnh quan xung quanh bị can thiệp thay đổi, xuống cấp.
          Biện pháp phục chế có thể là thay thế các loại vật liệu tương tự, khôi phục lại các chi tiết cho đúng với nguyên bản, tiến hành vệ sinh rồi sơn bả theo màu nguyên trạng…Công tác này phải được tiến hành theo đúng các qui trình kỹ thuật để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị lịch sử của công trình.

          (Nguồn: Bảo tồn kiến trúc cảnh quan tuyến nam sông Cấm, Hải Phòng/ Ths. KTS Nguyễn Thế Duy//Kiến trúc Việt Nam. – số 09. – 2013. – Tr. 16- 19). P.V Thi giới thiệu và minh họa ảnh.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học