
Mặt trước cổng đền Trạng Trình.
Đền thờ Trạng Trình tại thôn Trung Am , xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng là Khu di tích Lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. Mặt ngoài và mặt trong cổng chính có hai câu đối được viết vào năm 1995 làm chúng tôi ngỡ ngàng. Phải hàng chục năm rồi, mấy người cao tuổi trong làng có bàn tán về nội dung và chữ nghĩa, nhưng ai cũng bảo đó là việc Quốc gia, của những người có trách nhiệm, bọn thường dân chúng ta can dự làm gì.
Hơn hai chục năm qua, có rất nhiều đoàn khách qua lại, bởi vì đây là ngôi đền lớn, thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng tại nơi này nhiều đại lễ kỷ niệm được tổ chức rất long trọng, khách về dự không chỉ có các nhà lãnh đạo cao cấp của nhà nước, mà còn có các vị Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa, các bậc túc nho thuộc cỡ Hàn lâm học sỹ Việt Nam, các vị đó sau khi tham quan xem xét cảnh đền, còn ra trước cổng chụp ảnh làm kỷ niệm, Vậy mà không thấy ai thắc mắc nội dung hai câu đối viết ngay tại cổng ra vào, nơi họ chụp hình kỷ niệm. Cho nên hai câu đối này vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, vài năm cũ đi, nhà đền lại tổ chức sơn lại cho mới, với người dân không biết chữ Hán thì không nói làm gì, nhưng với những người biết chữ Hán, có trách nhiệm trong ngành văn hóa của thành phố, của Nhà nước không thấy có lỗi hay sao?
Trước đây, trong thời bao cấp, ngôi đền còn sơ sài, không tường bao, phên cổng. Vào năm 1995, ông chủ nhà hàng bánh đậu xanh Nguyên Hương ở nhà số 68 phố Trần Hưng Đạo, Hải Dương có lòng từ thiện, xuất ra 2 cây 8 chỉ vàng 999 cùng với sự đóng góp của dân làng, địa phương tổ chức xây tường bao và hai cổng lớn cho chùa Song Mai (trong quần thể Di tích) và đền chính như bây giờ.
Ảnh chụp bia công đức của doanh nghiệp Nguyên Hương đặt tại đền Trạng Trình.
Xin nói về hai câu đối do ông Nguyên Hương nhờ một thày nào đó sáng tác (theo đơn đặt hàng của ông Nguyên Hương) mang về đắp ở hai mặt ngoài và trong cổng. Không bàn về chữ xấu đẹp, nay chỉ xin bàn về nội dung của hai câu đối thôi:
Mặt ngoài cổng ra vào, bên trên là bức đại tự ghi TRUNG AM TỪ (đền Trung Am ), bên dưới có câu:
東海出聖人國運天機先覺
南天生理斈詩才文力深知
ĐÔNG HẢI XUẤT THÁNH NHÂN, QUỐC VẬN THIÊN CƠ TIÊN GIÁC
NAM THIÊN SINH LÝ HỌC THI TÀI VĂN LỰC THÂM TRI
Trong đó, vế phải (câu thứ nhất):
ĐÔNG HẢI XUẤT THÁNH NHÂN, QUỐC VẬN THIÊN CƠ TIÊN GIÁC
Nghĩa là: Vùng biển Đông xuất hiện vị thánh nhân có khả năng biết được thiên cơ, vận nước
Vế trái (câu thứ hai):
NAM THIÊN SINH LÝ HỌC THI TÀI VĂN LỰC THÂM TRI
Nghĩa là: Trời Nam sinh ra người am hiểu lý học, có tài văn thơ, học vấn dồi dào.
Vế này gặp hai chữ LÝ HỌC 理斈 (họ Lý) rất khó hiểu, nếu tác giả ám chỉ lý học (am hiểu về triết lý) thì phải dùng chữ HỌC 學 (học tập) mới đúng.
Nên hai câu đối trên phải viết lại là:
東海出聖人國運天機先覺
南天生理學詩才文力深知
Cổng đền Trạng Trình nhìn từ phía sau.
Mặt trong cổng ra vào, bên trên là bức đại tự ghi TRÌNH QUỐC CÔNG, bên dưới có câu:
海桑桑海惟有阮族狀元祠無缺
古今今古當境名情馨 香善不忘
HẢI TANG TANG HẢI DUY HỮU NGUYỄN TỘC TRẠNG NGUYÊN TỪ VÔ KHUYẾT.
CỔ KIM KIM CỔ ĐƯƠNG CẢNH DANH TÌNH HINH HƯƠNG THIỆN BẤT VONG.
Đọc qua thấy ngay là thất niêm, “Hải tang tang hải” không đối với “Cổ kim kim cổ” (thất niêm), muốn đối phải sửa lại là “Kim cổ cổ kim”.
Còn “Duy hữu Nguyễn tộc trạng nguyên” không đối với “Đương cảnh danh tình hinh hương), chữ TÌNH 惟 (tình cảm) ở đây khả năng tác giả muốn dùng chữ TÍNH 姓 (họ) nhưng viết nhầm ra TÌNH 惟.
Trong này, ta thấy dụng ý của ông Nguyên Hương muốn gắn tên của mình vào câu đối, không những thế, nếu tách ra 4 chữ cuối của hai vế ta được
元慈無缺
香善不忘
NGUYÊN TỪ VÔ KHUYẾT
HƯƠNG THIỆN BẤT VONG
Nguyên hiền không sai sót
Hương thiện mãi không quên.
Chữ TỪ 慈 (hiền) bị viết sai thành TỪ 祠(đền)
Hàm ý nói ông Nguyên Hương là người hiền từ, hoàn mỹ, lương thiện không bao giờ quên.
Nếu như câu đối chuẩn mực, dù có theo dụng ý của ông Nguyên Hương cũng không sao, nhưng ở đây câu đối có nhiều sai sót không thể chấp nhận được. Theo chúng tôi không nên dùng câu này, các nhà lãnh đạo và người có trách nhiệm với Di tích nên cho thay bằng câu khác .
Đọc bài này có thể một số người sẽ phật ý, song đây là công trình văn hóa đặc biệt và nổi tiếng của thành phố, quốc gia, nơi sinh hoạt văn hóa, chữ và nghĩa cần phải chỉn chu, sai thì phải sửa, vì đó là mong muốn của người hiểu biết và các du khách khi viếng thăm nơi tôn quý này.
Vĩnh Bảo ngày 28 tháng 9 năm 2022, Vũ Hoàng – nhà nghiên cứu Hán-Nôm.