An Tiến quê tôi.

Núi Voi – một thắng cảnh và Di tích lịch sử huyện An Lão.

       Xã An Tiến quê tôi nằm ven con sông mà dân làng quen gọi là sông Vàng (tên cây cầu nối ngã tư chợ Ruồn với thôn Vàng Xá). Đây chính là sông Đa Độ, một chi lưu của sông Văn Úc. Làng quê thanh bình được bao bọc bởi những cánh đồng lúa mênh mông, dải núi đá Tượng Sơn – núi đất Tiên Hội và con sông Vàng uốn khúc. Xa một dặm về phía tây bắc, nổi lên giữa cánh đồng là quả núi đá hình con voi nằm phủ phục với cái vòi dài là dãy núi đất chạy qua thôn Tiên Hội nên được gọi là núi Voi. Làng có cái tên nôm xưa là Khuốc Giản nhưng nay được gọi là Khúc Giản. Trên Núi Voi còn lưu lại những địa danh, dấu tích dân gian và lịch sử như Bàn Cờ Tiên, Vàn Chúa Thượng, Vàn Chúa Hạ, Kênh Đào, Hồ Sen, Cây Đèn (thời nhà Mạc)…
       Bàn cờ tiên nằm trên đỉnh núi Voi là một tảng đá khá lớn, mặt nhẵn, hai bên có hai tảng đá nhỏ hơn. Theo dân gian, vào những ngày mưa, đỉnh núi mù sương, các vị tiên thường xuống đây ngồi đánh cờ.
       Đứng dưới cánh đồng nhìn lên, giữa lưng chừng núi thấy có một miệng hang. Đây gọi là hang Họng Voi. Hang này được cho là thông từ trên núi, chạy ngầm  xuống sông Lạch Tray (bên kia núi, thuộc địa phận thôn Chi Lai). Người ta từng đánh dấu vào vỏ một vài quả bưởi rồi thả xuống hang, sáng hôm sau thấy bưởi trôi nổi trên mặt sông Lạch Tray. Điều này chứng minh giả thiết trên.
       Đặc biệt, sau lưng núi Voi còn hiện diện ngôi cổ tự Long Hoa thuộc thôn Chi Lai xã Trường Thành – đây là ngôi chùa cổ tương truyền được xây dựng từ thời nhà Lý, nằm bên sườn núi Voi. Cùng với chùa Long Hoa, đình Chi Lai xưa đã được các vua thời Hậu Lê và Nguyễn ban sắc, phong thần.
       Quê hương trong tôi còn in đậm dấu ấn trong những truyền ngôn và dấu tích nhuốm màu lịch sử và phong cảnh nên thơ.
       Tư liệu lịch sử còn lại cho biết vào thế kỷ 16, thời nhà Mạc vùng này là căn cứ phòng ngự ven sông Lạch Tray của triều Mạc với núi Voi là đồn binh chính (nay vẫn còn dấu tích hang Chạn (bếp), đấu Đong quân (khoảng đất quây đá để xếp lính vào tính số lượng).
       Sách Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi “Núi Voi ở cách huyện An Lão 8 dặm về phía Tây Bắc, hình thế như con voi nằm, núi có hang, trong có nhiều thạch nhũ”
       Khi còn sống bố tôi, một nhà giáo từng kể: Làng tôi nguyên tên là làng Quốc nhưng sau được gọi lái thành Khuốc để kiêng từ “Quốc” (nước). Cái làng cạnh làng tôi nằm ven sông Lạch Tray, gần núi Voi gọi là làng Cung bởi đây khi xưa từng có hành cung của vua Mạc nay thuộc xã Trường Thành (thành dài), cái tên có lẽ cũng bắt nguồn từ căn cứ phòng ngự của nhà Mạc ven sông Lạch Tray. Làng này thời Mạc thuộc nội cung (bên trong hành cung) nên được gọi là làng Cung, còn làng tôi nằm bên ngoài hành cung lên được gọi làng Quốc – ngoại quốc. Nay mỗi khi có dịp qua quốc lộ 10B (mới) chạy sau núi Voi, tôi lại nhớ về lời kể của cha tôi như một bài học lịch sử về quê hương.
       Những bằng chứng trên chứng tỏ nhà Mạc xưa đã coi Núi Voi rất có giá trị trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và là một thắng cảnh đẹp nên còn xây dựng những công trình nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn phong cảnh…
       Xã An Tiến, huyện An Lão quê tôi hiện nay có 3 thôn là Khúc Giản, An Luận và Tiên Hội thì chỉ thôn Khúc Giản của tôi có nghề khai thác và chế tác đá núi lâu năm (nay núi Voi bị cấm khai thác đá nên ít người còn hành nghề). Những năm 60-90 của thế kỷ 20, từ những tảng đá vôi xanh người ta đục đẽo thành những cối giã gạo, cối xay bột, cối giã cua, chày đá, trục lúa… phục vụ đời sống lúc bấy giờ, khi mà máy móc làm những việc này hầu như chưa có.

Một xưởng chế tác đá ở thôn Khúc Giản, xã An Tiến hiện nay.

       Ngoài ra đá vụn, đá viên thừa từ việc đục đẽo (thậm chí cả tảng to lấy từ núi Voi) còn được người ta đập nhỏ thành vật liệu xây dựng. Lúc rỗi rãi rất nhiều trẻ con, người lớn trong làng đều đập đá nhỏ ra, vun thành đống để bán cho thương lái từ các nơi đến gom hàng phục vụ nhu cầu xây dựng. Từ sáng tới tối tiếng búa đập đá vang lên chí chát khắp làng. Làng tôi những năm 60-80 còn có nghề làm lưới vét bắt cá. Đó là những tấm lưới đan bằng sợi chỉ gai dài 15 – 20 m, cao 120-150 cm mà phao giữ lưới lơ lửng dưới nước làm bằng gỗ, miệng túi hứng cá có gắn những thỏi chì để kéo lưới chìm dưới mặt nước.
       Lưới làng tôi làm ra nổi tiếng khắp nơi, nhiều khách hàng ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh còn tìm về mua. Bản thân tôi khi nhỏ cũng biết đan lưới vét giúp cha mẹ những lúc rỗi rãi.
       Từ những cây tre, song mây trồng nhiều trong làng, người dân quê tôi chăm chỉ đan lát, tạo nên những rổ, rá, nong, nia để rửa ráy rau cỏ, vo gạo, phơi khô lúa, khoai, rau, củ, quả, nơm (bắt cá), dậm (bắt cá, tôm, cua, cáy) ….
       Cuộc sống ngày càng phát triển, máy móc, đồ dùng công nghiệp dần thay thế cho sức người, đồ thủ công không còn được ưa dùng. Giờ đây người ta thích sử dụng rổ nhựa, rá nhôm, giàn phơi bằng i-nốc bền chắc khiến cho nghề thủ công ngày càng mai một. Nghề làm đá và đan lưới làng tôi giờ hầu như đã chấm dứt. Giờ đây chỉ còn một số hộ kinh doanh nghề chế tác đá với những xưởng sản xuất bám mặt đường 10B chạy qua thôn Khúc Giản mà nguồn nguyên liệu là đá mua từ Thanh Hóa, Nghệ An. Nếu qua đoạn đường này sẽ thấy la liệt những đồ thờ làm từ đá như tượng Phật, bia mộ, lăng, quách…tinh xảo được cắt, gọt, điêu khắc từ đá trắng, đá xanh, đá hoa cương cái đang làm dở, cái đã làm xong. Nơi đây suốt ngày vang lên tiếng cắt, xẻ đá, tiếng máy đục, mài đá chói tai.
       Thôn Tiên Hội có nghề thủ công truyền thống làm đồ đất nung, cho ra sản phẩm là những nồi đất, ấm, chén nung, con phỗng gà vịt, lợn đất thô sơ, ngộ nghĩnh…từ nguồn nguyên liệu đất đồi màu vàng có sẵn ở đây. Nay nghề này đã mai một do nhu cầu tiêu dùng đã khác và việc khai khác đất núi bị cấm. Hiện chỉ còn lại nhà máy gạch-gốm Tiên Hội còn hoạt động, ngày đêm tỏa khói lên trời qua ống khói cao vút xây bằng gạch mà ai qua đường quốc lội 10 A cũng nhìn thấy.
       Đất Tiên Hội còn có một sản vật đã đi vào câu ca là “Chè Chi Lai, khoai Tiên Hội”. Chè xanh ở thôn Chi Lai (sau núi Voi) thuộc xã Trường Thành là đồ uống ngon mát nổi tiếng và khoai lang Tiên Hội thì rất thơm và ngọt. Tiên Hội, đúng như tên gọi – nơi tiên tụ hội, cũng sản sinh ra nhiều cô gái xinh đẹp nhất trong 3 làng của xã An Tiến. Cha tôi kể rằng, xưa các nàng tiên hay bay xuống núi Voi, vào chơi xem hội ở làng này, có người do mến cảnh, yêu người, ở lại lấy trai làng nên nơi đây mới sinh ra nhiều người đẹp. Chả biết có đúng như vậy không, nhưng quả thực các trai làng lân cận thường thích tìm đến tỏ tình với các cô gái Tiên Hội.
       Qua những cuộc điều tra khảo cổ ở núi Voi người ta đã tìm thấy nhiều lưỡi rìu và dao găm đồng có sống nổi ở giữa, có chốt hãm ở phần chuôi tra cán. Đặc biệt còn phát hiện một chiếc qua đồng trên mặt khắc chìm hình con thú và hoa văn hình học trổ thành rãnh… Ở di chỉ khảo cổ học thôn Tiên Hội cũng tìm thấy răng trâu bò và nhà, tượng đất hình trâu bò… Hiện vật khảo cổ trên cùng với truyền thuyết sưu tầm được ở đây chứng tỏ người cổ núi Voi từng sinh tụ ở đây vào cuối thời đại đồ đồng, đầu thời đại đồ sắt, cách đây trên dưới 2500 năm.
       Làng quê tôi nay đã đổi thay nhiều. Cảnh vật cũng khác xưa, hồ ao, lũy tre xanh, nhà mái rạ, mái ngói ngày một ít đi, nhường chỗ cho những ngôi nhà hộp bê tông cốt thép, những vi la đẹp đẽ ngày càng mọc lên nhiều hơn. Đường làng, ngõ xóm không còn lầy lội, bẩn thỉu như ngày xưa nữa mà được rải bê tông phong quang, sạch sẽ trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Mỗi khi về quê, ra đồng thăm mộ, thắp hương tôi lại thấy đường nội đồng được đổ bê tông nhiều hơn, ít thấy cảnh người nông dân phải gồng gánh quang thúng lội ruộng, len lỏi qua những bờ đất, bờ mương gập ghềnh, khó đi. Giờ đây xe máy, xe tải nhỏ đã có thể chạy ra tận ruộng, đầu bờ là nhờ chương trình xi măng hóa giao thông nội đồng của thành phố. Ý Đảng, lòng dân hòa hợp đã và đang tạo lên động lực cho người dân quê tôi phấn đấu xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
       Cuộc sống con người ngày càng phát triển và thời gian càng trôi qua thì những ký ức xa xưa về một vùng quê yên bình, tươi đẹp cũng ngày một nhạt nhòa theo năm tháng. Con cháu chúng ta chắc sau này chẳng thể hình dung được quê cha, đất tổ chúng xưa kia như thế nào nếu không có những tài liệu ghi chép, những thư tịch để tra cứu.
       Phạm Văn Thi, hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học