18 làng Am ở Vĩnh Bảo.

Sông Chanh Dương ở Vĩnh Bảo.

       Người dân vùng lục tổng không mấy người không nhớ câu ca truyền lại : “thập bát trang Am sang Nam mất một”, nghĩa là 18 làng Am sang Thái Bình mất một làng, vậy còn lại bên Vĩnh Lại xưa, (Vĩnh Bảo nay) có 17 làng Am. Kỳ lạ thay có nhiều người ở vùng lục tổng hẳn hoi cũng không tìm đủ 17 làng Am. Có vị còn tính cả Thanh Am ở Hà nội vẫn không đủ vì đếm đi đếm lại vẫn chỉ có 15 làng Am, cộng với làng Am bên kia sông là Vân Am vào mới là 16, còn thiếu hai làng nữa.
       Cụ thể là:
       1- Trung Am 中庵 (ở giữa) thuộc xã Lý Học ngày nay
       2- Lãng Am 閬庵 (rộng rãi) thuộc xã Lý Học ngày nay, sau này gọi là Lạng Am
       3- Tiền Am 前庵 (không gian phía trước) thuộc xã Lý Học ngày nay, nói ngọng hoặc Nôm hóa thành Chiền Am.
       4- Dương Am 陽庵 (ánh sáng mặt trời) thuộc xã Trấn Dương ngày nay
       5- Ngải Am 艾庵 (cây ngải) thuộc xã Hòa Bình ngày nay, sau này chuyển thành Ngãi Am.
       6- Hạ Am 下庵 (dưới) thuộc xã Cộng Hiền ngày nay
       7- Hội Am 會庵 (hội họp, tập hợp) thuộc xã Cao Minh ngày nay
       8- Tây (Đoài) Am 西庵 (phía Tây) thuộc xã Cao Minh ngày nay
       9- Đông Am 東庵 (phía Đông) thuộc xã Tam Cường ngày nay
       10- Nam Am 楠庵 (cây nam, cây chò) thuộc xã Tam Cường ngày nay
       11- Cổ Am 古庵 (cổ xưa) thuộc xã Cổ Am ngày nay
       12- Hậu Am 後庵 (sau), nay là các thôn Kim Bích, Bích Động, Hậu Đông, Hậu Chùa, Đông Tô thuộc xã Liên Am ngày nay
       13- Thượng Am 上庵 (trên) thuộc xã Liên Am ngày nay
       14- Tiên Am 先庵 (trước về thời gian) thuộc xã Vĩnh Tiến ngày nay
       15- Bào Am 袍庵 (bao bọc, yên tĩnh) thuộc xã Vĩnh Tiến ngày nay
       16- Vân Am 雲庵 (mây) bên bờ Nam (triền Hữu) sông Hóa, đối diện với xã Tam Cường, nay thuộc xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
       Chú ý tên gọi với các làng Tạ: ta có Bắc Tạ, Nam Tạ, còn các làng Am lại dùng Thượng Am, Hạ Am chỉ vị trí tương đương (Bắc-Nam), không có Bắc Am, còn Nam Am không phải phương Nam, vì thực tế Nam Am còn lệch về phía Bắc hơn cả Đông Am, Cổ Am. Vậy còn hai làng Am nữa ở đâu ?.

Khung cảnh một ngôi nhà cổ ở xã Cổ Am.

       Để tìm hiểu hai làng Am này, chúng tôi phải ngược dòng lịch sử về 400 -500 năm trước, lúc đó phần đất lục tổng của huyện Vĩnh Lại chỉ là bãi bồi ven sông, nước biển vào tới tận Ngải Am, vùng ven sông Tô (sông Hóa bây giờ) là khu vực định cư của dân chài kéo dài từ Cổ Am tới Hội Am, sinh sống bằng nghề chài lưới nên làng ấy có tên là Vạn chài (chữ vạn có chấm thủy  澫 ) sau được cụ Trạng Trình đặt cho cái tên là Vạn Am 澫 庵(Làng Am làm nghề đánh cá). Sau đó nước biển lùi xa, người dân đổi dần sang nghề trồng cấy, làng đổi tên thành Van Tuyền 萬泉  cụm lại  gần vùng Hội Am, không chiếm bờ sông của Đông Am, Cổ Am. chữ Vạn được bỏ chấm thủy vì không còn là làng chài nữa. Tới thời vua Thiệu Trị (năm 1543), chữ Tuyền cùng âm với tên húy của vua là Nguyễn Phúc Tuyền (阮福暶) nên phải đổi là Hoạch, Vạn Hoạch 萬获, làng Vạn Hoạch 萬获 sau này theo công giáo và phát triển đến ngày nay.
       Dòng sông Kim 金江,( tức sông Thái Bình bây giờ) chảy từ Quý Xuyên 貴川 (giang Biên) tới Đông Quất 東橘 theo hướng Bắc Nam, Từ Đông quất dòng sông rẽ ngang chảy về hướng Đông tạo nên vùng nước xoáy ở bờ hữu rất mạnh gây nên xói lở vô cùng khủng khiếp, mỗi năm dòng sông dịch chuyển về phía Nam tới  hàng chục mét, các vùng đất bên hữu sông Hàn (từ Đông Quất tới Tiền Am bị mất dần, bên huyện Tân Minh (Tiên lãng) bồi nhanh chóng bao nhiêu, vùng đất bên Vĩnh Lại, (Vĩnh Bảo) mất đi bấy nhiêu. Cho tới đầu triều Nguyễn, cách thời Mạc 400 năm, dòng sông Hàn đã lấn sang bên Vĩnh Bảo tới hơn 500 m. Có một ngôi làng áp sông tên gọi là làng Mai (sau được cụ Trạng đặt tên  là Mai Am), phía Bắc giáp sông Hàn 寒江, phía đông giáp Trung Am 中庵, phía tây giáp Bích Động 璧洞, phía nam giáp Liêm Khê 廉溪, làng có ngôi chùa Ngàn Mai 岸梅 nơi bà ba Phu nhân của Cụ Trạng tới tu. Tới cuối thời Lê Hy tông 黎希宗  (niên hiệu Chính Hòa) làng Mai Am đã bị lở gần hết cùng với đền Bạch Vân và Quán Trung Tân cũ đều sang bên kia sông. Đền Bạch Vân phải làm lại lùi sâu về phía nam, tới năm Minh Mạng 明命 14 (1833) lại di chuyển lần nữa tại vị trí bây giờ…
       Còn làng Mai Am chỉ còn sót lại một ấp phía nam là ấp Bái, ấp Bái sau đó được ghép vào với Liêm Khê (Bái Khê 沛溪).
       Người  ta nói nếu không có đập thủy điện Hòa Bình ngăn nước, có lẽ dòng sông tiến tới đền thờ Trạng Trình hiện nay rồi, Quan sát trên bản đồ ta thấy sông Hàn cong về phía Nam, nơi lở mạnh nhất chính là ấp Bái, người dân gọi đoạn cong đó là khu diều vịt. Làng Bích Động có một thời sang bên kia sông đòi đất trồng cấy cho tới mãi 1960 mới trao trả cho huyện Tiên Lãng.
       Để tưởng nhớ cụ bà Minh Nguyệt, Chùa Song Mai được làm vào năm Chính Hòa thứ 21 (1700), còn chùa Ngàn Mai mới được dân làng Bái dựng lại gần đây. Làng Mai bây giờ chỉ lưu lại bởi tên của chùa, chùa Ngàn Mai.

Vũ Hoàng

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học